Nhiều bất cập trong điều tra vụ án xâm hại trẻ em

16:20 | 08/01/2020;
Có nhiều năm tham gia trong các phiên tòa xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em (XHTE), luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư – Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM mới đây đã chia sẻ những bất cập trong quá trình điều tra, gây bất lợi cho việc xử lý vụ án, qua thực tế tiến hành tố tụng của bản thân. Từ đó có những đề xuất xác đáng nhằm ngăn chặn, phòng ngừa vấn nạn này.

Thời hạn thủ tục điều tra tội phạm XHTE: Quá dài!

Bất cập lớn nhất, theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chính là tội XHTE hiện vẫn chưa được quy định riêng về thời hạn, thủ tục điều tra, khởi tố vụ án hình sự, mà hiện chỉ thực hiện theo quy định chung của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đối với tất cả các loại tội phạm. Do không có sự khác nhau giữa người bị hại là trẻ em và bị hại là người lớn, nên dẫn đến không bảo vệ được tốt nhất cho trẻ em khi bị xâm hại.

Nhiều bất cập trong điều tra, tố tụng các vụ án xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - luật sư của trẻ em. Ảnh: D.H

Luật sư Ngọc Nữ lấy dẫn chứng, điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, khi nhận được tin tố giác, tin báo về tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ xác minh, giải quyết. Vấn đề ở chỗ, luật quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 20 ngày, tối đa là 4 tháng (kể cả thời gian gia hạn).

"Quy định thời hạn tối đa là 4 tháng như vậy nên cơ quan điều tra đã để vụ việc kéo dài, diễn ra lâu, khi tiến hành bắt đầu xác minh, điều tra thì khó thu thập chứng cứ do đặc thù riêng biệt của những vụ án XHTE là chứng cứ trực tiếp yếu, sự việc đã diễn ra và phát hiện chỉ qua lời kể của bị hại" – bà Nữ phân tích.

Luật sư Ngọc Nữ cũng cho rằng, đa số bị hại là nhỏ tuổi nên nhận thức chưa đầy đủ, không thể nhớ chính xác các vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Điều này khiến bị hại không cung cấp được thông tin chính xác cho cơ quan điều tra, dẫn đến thiếu căn cứ để có thể khởi tố vụ án.

Trở ngại về quy định thu thập chứng cứ

Đây được xem là điểm yếu thứ hai về mặt luật pháp, theo quan điểm của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, khiến các vụ việc XHTE khó xử lý dứt điểm và đến cùng. Theo bà, nhất thiết phải có quy định riêng về thu thập chứng cứ là lấy lời khai của bị hại cho phù hợp với trẻ em và thu thập chứng cứ là tiến hành giám định cho phù hợp với đặc thù của chứng cứ, thể hiện trong các vụ án XHTE.

"Hiện việc lấy lời khai bị hại là trẻ em không khác gì lấy lời khai với bị hại là người lớn, công an lấy lời khai nhiều lần, nhiều thời điểm khác nhau. Các em còn quá nhỏ tuổi nên không thể nhớ được chính xác, hơn nữa vì hỏi các em quá nhiều lần, tôi thấy các em bị xâm hại một lần lại thành nhiều lần do phải lặp lại lời khai" – nữ luật sư phân tích.

Thu thập chứng cứ giám định cũng gặp nhiều vướng mắc bởi đặc thù của XHTE (như hiếp dâm, dâm ô) thì chứng cứ để lại chỉ thường là tinh dịch, tế bào nam… Những chứng cứ này dễ mất đi nếu không được thu thập nhanh chóng, đúng cách.

"Hiện nay quy định về giám định chứng cứ về tội danh này không khác các tội danh khác là không phù hợp. Nhiều vụ án xảy ra nhưng do thời gian giám định quá lâu, dẫn đến không có kết quả, không xử lý được người vi phạm" – bà Ngọc Nữ nói.

Đề xuất quy trình điều tra, xét xử thân thiện

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, để ngăn chặn nạn XHTE trong gia đình thì vai trò của gia đình phải là xương sống. Theo đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là cha mẹ phải hiểu rõ về vai trò trách nhiệm của bản thân, trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con cháu những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng chống hành vi XHTE.

Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu xã hội học, tìm ra các nguyên nhân dẫn đến ly hôn giữa các bậc cha mẹ để đưa ra biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn, chủ động triệt tiêu những điều kiện dẫn đến bạo lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em.

Dịch vụ hỗ trợ nạn nhân cũng là biện pháp cần được tăng cường hơn nữa vào thời điểm này, theo luật sư Ngọc Nữ. Trước hết là các biện pháp cách ly an toàn đối với nạn nhân bằng các mô hình như Ngôi nhà hạnh phúc, ngôi nhà bình yên, trung tâm một cửa hỗ trợ bảo vệ nạn nhân…

"Chúng ta cần đầu tư nguồn lực về con người, tài chính, tăng cường vai trò của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng tham gia bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại, đặc biệt là việc xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại" – bà đề xuất.

Về mặt pháp luật chính sách, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề xuất quy trình điều tra, xét xử hướng đến việc thân thiện, khép kín, cởi mở phù hợp với trẻ em. Để làm được điều này, cần thực hiện mô hình điều tra thân thiện, khởi tố thân thiện đối với trẻ em. Có những điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán có năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu về điều tra, truy tố, xét xử các vụ XHTE.

Bên cạnh việc mở rộng mô hình tòa án gia đình và người chưa thành niên ở nhiều địa phương, từ những phân tích về hạn chế của pháp luật nói trên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề nghị cơ quan lập pháp rà soát lại quy định để bổ sung các nội dung bảo vệ trẻ em tốt nhất như: giám định pháp y trong giám định tư pháp để việc thu thập chứng cứ nhanh chóng trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em; nên mở rộng quyền được yêu cầu giám định thêm cho các tổ chức bảo vệ trẻ em, người giám hộ trẻ em.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn