Nhiều biện pháp giải quyết tình trạng trẻ em bán hàng rong, ăn xin ở Sapa

15:35 | 10/10/2022;
Những năm qua, tình trạng trẻ em ở Sapa (Lào Cai) bán hàng rong, ăn xin… vẫn diễn ra với nhiều hình thức và cách làm tinh vi, gây bức xúc cho du khách và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân các em.

Em Giàng Thị Dung, học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) - Tiểu học Lao Chải, chia sẻ, gia đình em khó khăn, mẹ em mất từ khi em 3 tháng. Bố em lấy vợ mới, đẻ thêm 5 em nữa. Bố mẹ bảo Dung đi học cũng được hoặc không đi cũng chẳng sao. Nhưng vì thích đi học nên Dung vẫn đến trường và tranh thủ đi bán hàng rong kiếm thêm tiền hỗ trợ gia đình.

Khi tới trường, Dung được thầy cô giáo tuyên truyền không tham gia chèo kéo, bán hàng rong, ăn xin để dành thời gian học tập, làm sạch môi trường… Đây cũng chính là cách bảo vệ bản thân mình. Dung đã hiểu hơn về ý nghĩa của việc này.

Vấn nạn trẻ em Sapa bán hàng rong, ăn xin - Ảnh 1.

Trẻ bán hàng rong đêm trong tiết trời giá rét ở Sa Pa. Ảnh minh họa

Theo cô giáo Dương Thị Oanh, Hiệu trưởng trường PTDTBT - Tiểu học Lao Chải, các em học sinh nơi đây thường tranh thủ các ngày nghỉ cuối tuần để tham gia bán hàng rong. Ngày thứ 2, các em quay trở lại trường đều mệt mỏi, thiếu tập trung trong học tập. Không chỉ thế, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiềm ẩn, gây nguy hiểm cho chính các em học sinh.

Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục thị xã Sapa đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tình trạng trẻ em bán hàng rong trên địa bàn.

Theo đó, ngành giáo dục thị xã Sapa yêu cầu nghiêm cấm học sinh trên địa bàn bán hàng rong, chèo kéo, ăn xin khách du lịch.

Tại Trường PTDTBT - Tiểu học Lao Chải, nhà trường đã tổ chức diễn đàn tuyên truyền cho học sinh không tham gia chèo kéo, bán hàng rong, ăn xin. Nội dung của buổi tuyên truyền với tiết mục văn nghệ do chính các em học sinh của trường biểu diễn xung quanh thông điệp về chèo kéo bán hàng rong, ăn xin.

Vấn nạn trẻ em Sapa bán hàng rong, ăn xin - Ảnh 2.

Ngành giáo dục thị xã Sapa yêu cầu nghiêm cấm học sinh trên địa bàn bán hàng rong, chèo kéo, ăn xin khách du lịch. Nguồn: Báo Dân tộc

Đây là cơ hội để các em nhỏ hiểu rõ hơn bản chất của việc mà các em đang làm hàng ngày. Tham gia hội ngoại khóa quy mô về bán hàng rong, các em tự hiểu và về trò chuyện với cha mẹ mình. Buổi nói chuyện cũng là cách gửi thông điệp cho các em học sinh hành vi chèo kéo bán hàng rong, ăn xin.

Theo thống kê, hiện thị xã Sapa có khoảng 23 em học sinh vẫn tham gia bán hàng cùng với cha mẹ mình. Nhiều năm qua, lực lượng chức năng thị xã Sa Pa đã đưa ra các giải pháp nhằm từng bước giảm thiểu và chấm dứt tình trạng này. Đồng thời, hàng ngày, tổ công tác liên ngành của thị xã Sapa vẫn tham gia tuyên truyền cho du khách tại Sapa không mua hàng hoặc cho tiền trẻ em bán hàng rong bằng cả tiếng Việt và tiếng Mông.

Tuy nhiên tình trạng trẻ em bán hang rong, ăn xin… vẫn diễn ra với nhiều hình thức và cách làm tinh vi hơn, gây bức xúc cho du khách, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thị xã du lịch.

Vấn nạn trẻ em Sapa bán hàng rong, ăn xin - Ảnh 3.

Xe lưu động của Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa tuyên truyền, nhắc nhở người dân

Ông Trần Ngọc Cừ - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sapa, Lào Cai - cho biết, tới đây ngành giáo dục đẩy mạnh ra các xã khác trong địa bàn không riêng gì Lao Chải. Ông Cừ cho rằng, việc tuyên truyền cho học sinh hiểu biết về nạn bán hàng rong sẽ được ghép với nhiệm vụ của thầy cô giáo để cùng giáo dục, tuyên truyền các em học sinh. Ngoài ra, các ban ngành địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện các chính sách để nâng cao đời sống cho người dân, giảm thiểu tình trạng bán hàng rong ở trẻ em.

Các trường học cần đẩy mạnh trò chuyện, tuyên truyền cho các em học sinh như nói chuyện trong các buổi chào cờ đầu tuần, ngoại khóa, sinh hoạt lớp hoặc đối thoại trực tiếp. Ngoài ra, ngành cũng sẽ có nhiều giải pháp mạnh tay như chuyển các hồ sơ học sinh hình ảnh, clip trẻ em bán hàng rong, chèo kéo, ăn xin về cho chính quyền địa phương… Việc làm này cũng đang được tính toán để triển khai.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn