Nhiều bố mẹ 'dị ứng' khi cho con tiêu tiền sớm

17:32 | 22/08/2016;
Hiện nhiều ông bố, bà mẹ 'dị ứng' khi đề cập đến việc cho con tiêu tiền sớm. Có ông bố, bà mẹ khăng khăng, nhất quyết không cho con cầm tiền hay chi tiêu cá nhân, kể cả khi con đã đi làm, chuẩn bị lập gia đình.

 


Chị Lê Thanh Nghĩa - mẹ của bé Nguyễn Đức Vĩnh, Quán quân Chương trình tìm kiếm tài năng Việt 2015 (Vietnam's Got talent 2015) - chia sẻ về cách quản lý chi tiêu trong gia đình

PNVN có cuộc trao đổi với chị Đinh Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED), chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực quản lý tài chính đối với trẻ em, để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

- Thực tế có những ông bố, bà mẹ khi con đã đi làm, chuẩn bị lập gia đình nhưng vẫn quản tất tật tiền lương, thưởng của con. Chị có cho rằng cách làm này quá truyền thống, đi ngược với xu thế hiện nay không?

Tôi cho rằng, đó là cách làm trước đây thôi. Ngày trước, thông thường thì đến 18 tuổi, khi đi học, đi làm xa, sống tự lập, trẻ mới có cơ hội tiếp xúc và chi tiêu cá nhân. Tôi cũng trong trường hợp đó. Nhưng bây giờ, nếu tuyệt nhiên không cho trẻ tiếp xúc với tiền, trong khi nhiều bạn khác có cơ hội tiếp xúc với tiền hơn, trẻ dễ lạ lẫm, ngô nghê với tiền.

- Nhưng, cách làm này cũng phải có điều lợi chứ?

Tất nhiên, cách làm nào cũng đều có 2 mặt: Tích cực và hạn chế. Điểm tích cực của việc không cho trẻ tiêu tiền, đó là khi trẻ không nghĩ nhiều đến tiền thì tâm hồn sẽ trong sáng, không có ý nghĩ vụ lợi khi đang là học sinh. Dĩ nhiên là điều đó còn phụ thuộc vào tính cách của từng bé.

- Vậy còn mặt hạn chế?

Cuộc sống hiện đại ngày nay đòi hỏi trẻ phải ứng xử linh hoạt hơn trước đây rất nhiều. Nếu không được tiếp xúc với tiền thì làm sao trẻ biết cách quản lý. Chưa kể khi trẻ tiếp xúc với những gì mới tinh sẽ dễ vấp, dễ dẫn đến sai lầm nhiều hơn vì không được trải nghiệm. Khi cho trẻ tiếp xúc sớm với tiền và thực hành trong một quá trình dài thì thực chất đó là một câu chuyện trải nghiệm. Càng được trải nghiệm nhiều, trẻ càng đỡ bối rối, vấp ngã.

Tôi nghĩ rằng, trong xu hướng thay đổi nhanh chóng hiện nay, vẫn còn nhiều phụ huynh thực hiện theo phương thức này. Vì vậy cũng cần phải dần thay đổi tư duy của một bộ phận phụ huynh, kể cả với các bé. Đặc biệt là nên xây dựng văn hóa chia sẻ và môi trường cởi mở trong gia đình để bố mẹ, các con cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, đóng góp ý tưởng và xây dựng phương thức quản lý.

- Thế nhưng, tiền vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm. Vậy thì có nên chia sẻ vấn đề nhạy cảm này với trẻ?

Có một điều vô cùng thú vị là trong con người luôn có 5 loại thông minh, trong đó thông minh tài chính và ngôn ngữ được đánh giá với mức điểm cao nhất bởi lẽ 2 loại thông minh đó giúp con người sống độc lập mà không phụ thuộc. Từ trước tới nay nhiều người cho rằng tài chính là vấn đề nhạy cảm, không muốn nói với trẻ nhưng họ không biết rằng trong cấu trúc của con người có loại thông minh đó và là tiềm năng mà chúng ta bỏ quên, không đánh thức. Còn thông minh về giao tiếp thì mọi người đều hiểu rồi, ở trường và trường đời hoàn toàn khác nhau.


Chuyên gia Đinh Thị Ánh Tuyết giải đáp những thắc mắc của các bà mẹ về việc hướng dẫn trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên

- Có nghĩa là chúng ta nên đánh thức vấn đề nhạy cảm (tiền) này ngay từ nhỏ nhưng đánh thức đến đâu và quản trị vấn đề này như thế nào?

Chúng ta nên cho trẻ tiếp xúc với tiền sớm nhưng không có nghĩa cho rồi mặc kệ trẻ muốn chi tiêu thế nào tùy ý mà cho phải gắn liền với việc kiểm tra, giám sát. Nhưng việc kiểm tra, giám sát cũng là một nghệ thuật để tránh cho trẻ cảm giác bị áp lực, bị săm soi mà nên tạo mối quan hệ làm bạn với trẻ trong mọi câu chuyện của cuộc sống, qua đó trẻ sẽ chia sẻ về câu chuyện tài chính.

- Xin được tò mò một chút, với gia đình chị, anh chị cho con đồng tiền đầu tiên là khi nào vậy?

Tôi có 2 con, cháu lớn năm nay lên lớp 8, cháu nhỏ bắt đầu vào lớp 1. Khi cháu lớn 8 tuổi, tôi đã đưa cho cháu đồng tiền đầu tiên. Lúc đó, vợ chồng tôi cũng bất đồng quan điểm lắm. Khi tôi đưa cho cháu 20 nghìn đồng để cháu phòng thân khi đi xe đạp về nhà bà ngoại cách nhà tôi vài cây số. Chồng tôi dứt khoát không nghe và nói phải đi theo sau, bao giờ đến nhà bà ngoại mới đưa cho cháu. Con tôi cũng sợ và không dám cầm. Nhưng tôi vẫn quyết định đưa cho cháu. Cuối cùng cháu đã đến nhà bà ngoại an toàn. Ngay từ hôm đó, tôi quyết định dạy con quản lý tiền.

Lớn lên một chút, khi cháu về bà ngoại nghỉ hè, tôi đã giao cho cháu một khoản tiền để tự chi tiêu cá nhân. Cháu đã nghĩ ra cách tiết kiệm và dùng số tiền tiết kiệm được để mua truyện. Bây giờ khi cháu đã 14 tuổi, tôi đã cho cháu tham gia việc chi tiêu hằng ngày của gia đình, cho cháu chi trả tiền điện, nước, điện thoại vì cháu thanh toán bằng online tốt hơn.

- Chị có nghĩ rằng, cháu luôn trung thực trong khi cuộc sống đầy cám dỗ.

Tôi nghĩ rằng khó xảy ra việc đó, vì gia đình tôi luôn công khai trong chi tiêu. Gia đình tôi có bảng ghi lịch đi học, công tác, ai đi đâu cũng ghi vào và lập bảng chi tiêu của quỹ chung, ai chi tiêu gì thì ghi vào để tạo sự minh bạch, tính thật thà, tự giác đồng thời kiểm tra, giám sát lẫn nhau.

-Trong trường hợp trẻ phải đóng nhiều khoản tiền lặt vặt ở trường, tiền học phí, học thêm..., làm mất khá nhiều thời gian của phụ huynh. Theo chị có nên cho trẻ cầm tiền tự đóng không và gia đình chị làm việc này như thế nào?

Theo kinh nghiệm của tôi thì vẫn có thế, tuy nhiên phải dần dần, từ nhỏ tới lớn và tùy theo khả năng, tính cách của trẻ. Ví như, gia đình tôi, các cháu đều học ở trường tư thục Lomoloxop (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nên những khoản học phí lớn, tôi đều gửi qua tài khoản ngân hàng. Còn các khoản nhỏ, tôi cho vào phong bì đưa cho cháu mang đến nộp nhưng luôn gửi kèm tin nhắn cho cô giáo. Từ lớp 3, tôi đã thực hiện việc này với cháu lớn, đến cháu thứ hai thì đã có sự giám sát của anh. Vì thế, tôi không nhất thiết phải đến trường liên tục.

- Có nhiều gia đình áp dụng đưa một khoản tiền hằng tháng trên cơ sở tổng chi tiêu cá nhân của trẻ, theo chị có nên làm như vậy không?

Theo tôi thì tùy giai đoạn, lứa tuổi. Như gia đình tôi, khi cháu lớn tầm cấp 2 đã tiếp xúc quen với tiền thì có thể giao khoán cho cháu. Nhưng chỉ đưa theo tuần: Tiền ăn sáng để cháu tự chi tiêu, cuối tuần thế nào cháu cũng tiết kiệm được một chút để mua truyện. Cháu báo cáo đầy đủ và đưa lại cho mẹ nhưng tôi vẫn để lại cho cháu làm khoản tiền tiết kiệm và dùng tiền của mình mua truyện cho cháu. Đến khi cháu học cấp 3 thì tôi giao cho cháu cả tháng và khoán thẳng nếu cháu chi tiêu thiếu thì phải tự chịu trách nhiệm trong khoảng thời gian đó.

Nếu cháu tiết kiệm được thì tôi cũng không thu lại mà chỉ cần cháu báo cáo trung thực để cháu phấn khởi tiếp tục tiết kiệm. Một số phụ huynh lại quá chi tiết, cứ hỏi cặn kẽ từng li từng tí. Theo tôi, không nên dồn trẻ quá mức vì bản thân bố mẹ đã hiểu với khoản tiền như thế thì con tiêu đã hợp lý chưa? Không nên tạo áp lực như hỏi cung trẻ.

- Nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn nếu cho trẻ tham gia chi tiêu quá nhiều thì ảnh hưởng đến tư duy tiền - tình trong các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt là ngay cả với người thân, bạn bè.

Tất nhiên, nếu mình định hướng cho trẻ không khéo thì sẽ dễ dẫn đến độ nghiêng nhất định về tiền bạc trong các mối quan hệ. Nhưng có thực tế là khi nói đến quản lý tiền thì mọi người thường nghĩ đến quản lý chi tiêu nhiều hơn là quản lý ghi chép, nghĩ đến tiền mặt nhiều hơn là tài chính, nguồn tiền. Về bản chất, tiền trong tiếng Anh là money và cash (tiền mặt và tiền) thì tiền mặt là tiền  sử dụng, còn cash vừa bao gồm tiền mặt vừa bao gồm cả thời gian, công việc. Vì vậy trong quản lý tài chính nói chung phải để mọi người hiểu được nguồn tiền từ đâu đến? Nó được sử dụng như thế nào và nó chỉ là công cụ giúp chúng ta thôi. Khi hiểu rõ bản chất đó sẽ giúp cho trẻ và bản thân mình không quá đi sâu vào tiền mặt. Cái mà mọi người lo lắng là nếu thiên quá về tiền mặt thì mọi người dễ lệch lạc, đi vào quản lý chi li mà bỏ qua các tác động về mặt xã hội.

Thực ra, mình chỉ cần hiểu là nguồn tiền từ đâu đến và dòng tiền dịch chuyển như thế nào.

Hiện có nhiều khóa học dạy trẻ cần phải ghi chép như kế toán nhưng theo tôi nếu ghi quá chi tiết thì lại tạo cho trẻ thói quen chi li, tủn mủn, dẫn đến không có tầm nhìn. Vì vậy, khi hướng dẫn trẻ cách quản lý đồng tiền thì cần phải rất cẩn trọng.

-Xin cảm ơn chị!


Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo "Giúp trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên" tại thành phố Bắc Ninh

img_4860-sua.jpg
Chuyên gia Đinh Thị Ánh Tuyết nêu các vấn đề khi các phụ huynh cho trẻ tiền chi tiêu cá nhân
img_4854-sua.jpg
Hai mẹ con cùng trao đổi cách tiết kiệm dành tiền đóng học phí khi con theo học trường chuyên của tỉnh
img_4926-sua.jpg
Nhiều trẻ quan tâm khi tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến việc chi tiêu cá nhân
img_4908-sua.jpg
Bé Đức Vĩnh - Quán quân Chương trình tìm kiếm tài năng Việt 2015 trả lời về cách chi tiêu những đồng tiền đầu tiên em có được từ tài năng nghệ thuật
Có nên cho con tiêu tiền sớm hay không và nếu cho thì cho như thế nào và giúp con quản lý tiền ra sao luôn là vấn đề băn khoăn của không ít ông bố, bà mẹ, đặc biệt khi con bước vào bậc tiểu học.
Để trả lời phần nào câu hỏi này, Báo Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công ty Tài chính Home Credit đã tổ chức Hội thảo “Giúp con trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên” tại thành phố Bắc Ninh vào ngày 14/8 và sắp tới Báo Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải
Phòng phối hợp với Công ty Tài chính Home Credit sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề này tại thành phố Hải Phòng vào ngày 28/8.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn