Ngày 18/5, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức tập huấn cho phóng viên, báo chí về Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết: Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6 hằng năm) được phát động đã 29 năm qua. Trong năm 2023, với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em", Tháng hành động này thực chất là chiến dịch để truyền thông, vận động chính sách, vận động xã hội, cộng đồng cùng chung tay tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới trẻ em. Mục đích hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Cùng với đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Theo WHO, có 70% đến 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10% - 15%
Đặc biệt là hướng tới thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em…
Theo ông Đặng Hoa Nam, Tháng hành động vì trẻ em trùng với thời gian nghỉ hè của trẻ, cũng là dịp để xác định rõ hơn, phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp thực hiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.
Chia sẻ về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng việt nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng internet ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi là rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn. Trong đó, trẻ em gái sử dụng internet chiếm tới 89%. Đặc biệt, trẻ tiếp cận qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm tới 98%.
Theo báo cáo của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng. Trẻ em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng (58%) và mạng xã hội (46%).
Theo bà Đinh Thị Như Hoa, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, forum, diễn dàn ... cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em.
Về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng: Trong công tác bảo vệ trẻ em, bên cạnh Nhà nước, tổ chức, xã hội, nhà trường, thì trước tiên trách nhiệm phải là của bố mẹ và gia đình bảo vệ con em mình. Nếu bố mẹ mà thiếu quan tâm, bảo vệ tốt các con của mình thì không ai có thể làm tốt hơn.
Ông Đặng Hoa Nam nêu thực tế thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Vấn đề là những thông tin rất riêng ở đâu ra để đối tượng lừa đảo lợi dụng? Thực tế cho thấy, không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên mạng xã hội.
"Chính cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần phải học cách làm cha mẹ, chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng", ông Đặng Hoa Nam cho hay.
Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng việt nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, nguy cơ trẻ em vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng, mạng xã hội là rất cao. Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, vì vậy việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả. Trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung.
Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, còn việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc video. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn