Yên Lập là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 80%, chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.
Vào những ngày nắng nóng, Trạm Y tế thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lại càng "nóng" khi số lượng bà con đến khám bệnh đông hơn do mắc bệnh theo mùa. Trạm chỉ có 6 nhân viên y tế, cơ sở vật chất còn khó khăn, trong khi nhiều người dân chưa quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt là chị em dân tộc thiểu số còn lơ là không đi thăm khám khi phát hiện có bệnh.
Chị Hoàng Thị Loan, người dân tộc Mường hiện đang đảm nhận vị trí Phó Phụ trách Trạm Y tế thị trấn Yên Lập. Hơn 6 năm gắn bó với nơi đây, chị luôn trăn trở với tình hình sức khỏe của bà con, nhất là phụ nữ, trẻ em người đồng bào ở Yên Lập.
Chị Loan cho biết, tại đây, phụ nữ và trẻ em đã được nhà nước quan tâm cả về sức khỏe và tinh thần. Phụ nữ được tuyên truyền về sức khỏe, trẻ vị thành niên được tư vấn về giới tính. Chị em độ tuổi sinh đẻ được tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân, cách làm mẹ và xây dựng tổ ấm, tiếp cận dịch vụ kế hoạch phù hợp đảm bảo sức khỏe hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, việc làm và thu nhập của phụ nữ nông thôn còn khó khăn, chưa có nghề phụ, họ vẫn vừa phải lo sinh nở, vừa lo kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình, nhiều vấn đề về sức khỏe chưa được quan tâm.
"Rất nhiều chị em gặp vấn đề sức khỏe nội tiết, xương, khớp. Nhưng phải đến khi loãng xương, khô, đau khớp, mới đến gặp trạm y tế, còn trước đó, chị em không chủ động chăm sóc cũng như phòng tránh", chị Loan cho biết.
Đối với trẻ em, việc đáng lưu tâm hiện tại là sức khỏe thần kinh. Học nhiều, cùng đó là việc sử dụng điện thoại, máy tính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Một số trẻ có bố mẹ đi làm xa không được quan tâm chặt chẽ.
Còn một vấn đề nữa mà chị Loan cho rằng cần có biện pháp, đó là tầm quan trọng của phụ nữ trong gia đình, như giữ nề nếp, vệ sinh, xây tổ ấm. Nhưng hiện nay các lớp tập huấn về vấn đề này chưa có.
"Thời gian qua chính quyền, nhà nước đã nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong dân tộc Mường ở địa phương. Nhưng đáng buồn là đâu đó vẫn còn tình trạng đầu tư tiền cúng bái nhiều hơn đầu tư cho sức khỏe", chị Loan chia sẻ.
Trạm Y tế Thị trấn Yên Lập hiện nay có 6 nhân viên. Trong ngày thường, các chị tiếp nhận những ca như viêm họng, viêm phế quản, khám phụ khoa, tiêm chủng, hướng dẫn bà con dùng thuốc và đi kiểm tra cận lâm sàng tuyến trên… Tuy nhiên vào những ngày nắng nóng, số ca đến Trạm đông hơn bởi người dân mắc bệnh theo mùa tăng lên.
Các chị trong Trạm phải luân phiên thay nhau trực đêm đủ các ngày trong tuần và khó có thể chăm sóc ngay chính người thân nếu họ ốm đau. Trong khi đó, phụ cấp trực đêm cũng chỉ vỏn vẹn 40-60 nghìn đồng/ca. Do ít người nên Trạm cũng không bố trí được công tác bảo vệ trực đêm mà phải dựa vào lực lượng công an tuần tra quanh khu vực.
Riêng chị Loan, ở vị trí Phụ trách Trạm, chị phải trực và tư vấn khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con trên địa bàn. Ngoài ra, chị còn đảm trách các hoạt động y tế và cấp phát methadone cùng nhiều công việc khác liên quan đến hỗ trợ y tế.
Chị Loan cũng như các cán bộ y tế ở Trạm luôn mong muốn bà con hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Nhất là chị em phụ nữ cần ưu tiên chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh chủ động hơn. Cùng với đó, họ cần có lối sống sinh hoạt, ăn uống, dùng thuốc khoa học. Hiện nay, nhiều người còn bỏ rơi không quan tâm đến sức khỏe của chính mình. Đó là điều đáng lo ngại.
Hoạt động của các trạm y tế còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực chất lượng cao. Do đó, để các trạm y tế thực hiện tốt vai trò "tuyến đầu" chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, rất cần đến những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ lâu dài. Cụ thể như việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ cho cán bộ y tế; xây dựng chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở từ miền xuôi đến miền núi để thu hút họ làm việc và yên tâm công tác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn