Theo đơn trình báo của chị Đặng Thị M, sinh năm 1968, trú tại thành phố, Hạ Long, Quảng Ninh, vào tháng 4/2017, một người đàn ông sử dụng tài khoản Facebook là “Patrick Paul” kết bạn với chị. Người này cho chị biết hiện đang làm trong quân đội Mỹ đóng tại Afghanistan.
Sau một thời gian trò chuyện, Patrick Paul có tiết lộ với chị M là được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD và nhờ chị nhận hộ tại Việt Nam để tránh thuế, đồng thời mong muốn sử dụng số tiền này để kết hôn với chị. Chị M đồng ý nhận hộ, còn việc kết hôn do đã có gia đình nên chị không nghĩ đến và chị đã cung cấp cho đối tượng thông tin cá nhân của mình. Sau nhận được thông tin, Patrick Paul nói với chị rằng đã chuyển quà qua một công ty chuyển tiền, hẹn khoảng 3 ngày sau sẽ có người liên lạc mang đến tận nhà cho chị.
Chị M được thông báo nộp tiền để nhận quà với tổng số hơn 2,3 tỷ đồng (Ảnh: internet) |
Xác định đây là đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, có sự cấu kết giữa các đối tượng người nước ngoài và một số đối tượng sinh sống tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác lập chuyên án, cử một tổ công tác phối hợp với các Cục nghiệp vụ phía Nam Bộ Công an và công an một số địa phương khẩn trương điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng trong đường dây này.
Chỉ trong thời gian ngắn, Cơ quan điều tra đã xác định và bắt giữ Trần Thị Bích Tuyền là đối tượng trong đường dây này. Bước đầu Tuyền khai nhận, năm 2015 đối tượng chơi hụi và cho người khác vay nặng lãi dẫn đến vỡ nợ nên đã bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó xuất cảnh sang Malaysia. Trong thời gian tại đây, Tuyền có quen một đối tượng tên Thúy, ngoài 30 tuổi là người Việt Nam đang sống tại Malaysia. Qua tâm sự biết Tuyền đang lâm vào tình trạng nợ nần nên Thúy đã bàn với Tuyền sự dụng mạng Facebook để lừa đảo tại Việt Nam. Tuyền đồng ý và thỏa thuận Thúy sẽ trả cho Tuyền 3% trên tổng số tiền chiếm đoạt được. Thúy đã lập 1 địa chỉ Facebook có nick “Patrick Paul” giả mạo người đàn ông tên Paul, quốc tịch Mỹ là quân nhân đang đóng quân tại Afghanistan được chính phủ Mỹ tài trợ cho 1,2 triệu USD.
Đối tượng vẫn tiếp tục yêu cầu chị M nộp thêm tiền (Ảnh: internet) |
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Quảng Ninh đã phối hợp với Công an huyện Tân Biên, Tây Ninh đã triệu tập Ngô Thị Anh Thư, sinh năm 1994, đăng ký hộ khẩu tại tổ 16, ấp Tân Hòa, xã Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh, người đứng tên tài khoản ngân hàng BIDV mà chị M đã chuyển tiền. Tại đây, Thư khai nhận trước đó có một phụ nữ xưng tên Nhi, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh để tìm việc làm. Quá trình làm quen, Nhi có cho Thư vay 5 triệu đồng để nộp hụi và cũng là tạo lòng tin, sau đó nhờ Thư đứng tên đăng ký thẻ Visa của các ngân hàng thương mại Việt Nam để cho chồng hiện đang sống ở nước ngoài gửi tiền về cho Nhi buôn bán. Do tin tưởng nên Thư đã sử dụng chứng minh thư của của mình để đăng ký 9 thẻ Visa của các ngân hàng, gồm: Agribank, Sacombank, BIDV, HDbank, Seabank, Techcombank, MBbank, Viettinbank tại Tân Biên, thành phố Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng thường làm quen với các nạn nhân qua mạng xã hội (Ảnh: internet) |
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế còn nhận được đơn trình báo của 3 nạn nhân khác trú tại Hạ Long, Cẩm Phả và Ba Chẽ bị một số đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 1,2 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh và một số địa phương khác, việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Do đó, việc tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về thủ đoạn trên là rất cần thiết để mọi người nâng cao cảnh giác, không mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.