Nhiều con nhưng bố mẹ chỉ thừa kế cho 1 người

23:34 | 15/05/2016;
Nhà có 4 người con nhưng khi được các con gợi ý chia số đất rộng 1.000m2 cho các con mỗi người một ít thì bố mẹ từ chối mà nói sẽ dành cho em út. Các con cho rằng như vậy cả tình và lý đều không đúng. Vậy trường hợp này pháp luật qui định thế nào?

Hỏi: Gia đình tôi có 4 anh em, trong đó người em út bị liệt hai chân đang ở với bố mẹ trên mảnh đất khoảng gần 1.000m2. Vừa qua, 3 anh em tôi bàn với bố mẹ chia cho mỗi người một ít đất, nhưng bố mẹ tôi tuyên bố rằng sẽ để lại mảnh đất đó cho người em út. Theo tôi được biết, 4 con đều được hưởng thừa kế như nhau, vì thế bố mẹ không thể quyết định cho riêng một người được. Xin Báo PNVN cho biết bố mẹ tôi nói như thế có đúng pháp luật không?

 Lê Thị Hà (Bỉm Sơn, Thanh Hoá)

 

chia-di-san-thua-ke-theo-di-chuc-17675.jpg
Minh họa.

Trả lời: Mảnh đất và nhà ở như chị nói trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của bố mẹ chị. Do vậy, họ có đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu, trong đó có quyền định đoạt tài sản. Điều 195 Bộ luật Dân sự quy định: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”. Vì vậy, việc cho ai sử dụng mảnh đất và nhà ở là quyền của bố và mẹ chị.

Theo quy định của pháp luật thừa kế hiện hành, trường hợp bố mẹ chị mất không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp,... thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật. Khi đó 4 anh em chị sẽ được hưởng quyền thừa kế ngang nhau.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng quy định “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình” (Điều 631) nên bố và mẹ chị có thể lập di chúc để lại quyền sử dụng mảnh đất và nhà ở cho riêng một người.

Chị cũng cần chú ý là di chúc chung của bố mẹ chị phải được lập hợp pháp và chỉ có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm bố, mẹ chị cùng chết. Nếu bố và mẹ chị lập hai di chúc riêng rẽ, mỗi di chúc chỉ định đoạt 1/2 khối tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó thì mỗi di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm người để lại di chúc đó chết. Phần tài sản được định đoạt trong di chúc đó sẽ được chia cho người được hưởng di sản theo di chúc, phần còn lại vẫn do bố (hoặc mẹ) – người đang còn sống quản lý.

Theo quy định tại Điều 633, “thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”, hiện tại, bố mẹ chị còn sống nên không ai có quyền hưởng di sản cũng như không có quyền can thiệp vào quyền định đoạt tài sản của ông bà.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn