Cây viết Gearoid Reidy của tờ Bloomberg mới đây đưa ra phép so sánh: Vào những năm 1840, cơn sốt vàng đã đưa hàng chục nghìn người nhập cư đến tiểu bang California (Mỹ) để tìm kiếm cơ hội, liệu điều tương tự có diễn ra với người trẻ Nhật hiện tại?
Truyền thông Nhật mới đây cũng đã không mấy vui khi tiếp nhận một sự thật là nhờ những quy định mới, người làm công tại các chuỗi cửa hàng ăn nhanh tại "tiểu bang vàng" sẽ sớm kiếm được 22 USD/giờ. Với tỷ giá quy đổi hiện tại, mức đó tương đương gần 3.300 yên - tức là gần gấp 4 lần mức lương tối thiểu tại Nhật.
Với 40 giờ làm mỗi tuần, mức lương đó sẽ gấp đôi mức nhiều cử nhân tại các trường đại học hàng đầu xứ sở mặt trời mọc có thể mong nhận được tại các ngân hàng danh giá nhất trong nước.
Tuy nhiên, mức thấp lịch sử của đồng yên không phải nguyên nhân của vấn đề mà chỉ là tác nhân "đổ thêm dầu vào lửa". Cùng với lạm phát, sự sụt giá của đồng yên so với đô la Mỹ giúp phơi bày một vấn đề nhức nhối: So với tiêu chuẩn quốc tế, lực lượng lao động nổi tiếng cần cù của Nhật Bản đang hưởng mức lương đặc biệt thấp.
Đó là hệ quả của hàng thập kỷ kinh tế phát triển trì trệ, cũng như những quyết định cả từ phía quản lý và người lao động. Mức lương trung bình tại Nhật đã giậm chân tại chỗ suốt 3 thập kỷ và đứng dưới mức trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).
Việc các công ty nỗ lực hết sức để cắt giảm chi phí, kết hợp với lạm phát, đang khiến mức thu nhập của người lao động Nhật "chịu trận" nặng nề hơn bao giờ hết.
Một ví dụ minh họa là mức giá của chiếc iPhone 14 phát hành năm nay của Apple có giá không đổi, người tiêu dùng Nhật đang phải dốc hầu bao thêm 20% so với mẫu smartphone năm ngoái. Hệ quả là, doanh thu của Apple ở một số khu vực đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Tình hình này dẫn tới nhiều lo ngại về tình trạng chảy máu chất xám của Nhật, khi người trẻ nỗ lực tìm kiếm các cơ hội tại nước ngoài. Trong khi đó, các ngành mà đất nước này vốn thu hút nhân công như y tế và xây dựng sẽ chứng kiến mức sụt giảm khi các ứng viên từ nước ngoài cân nhắc lại mức lương thực tế ở Nhật.
Có nhiều lý do khiến các công ty Nhật ngần ngại tăng giá và đẩy bớt áp lực chi phí nhập khẩu về phía người tiêu dùng. Một trong số đó là mức cạnh tranh khốc liệt ở nhiều ngành sau đại dịch và nhiều doanh nghiệp lo rằng họ sẽ mất khách hàng nếu tăng giá sản phẩm. Theo dữ liệu điều tra của Teikoku Databank, trong số 1.600 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có trung bình 36,6 yên/100 yên chi phí tăng lên được "đẩy" về phía khách hàng.
Tất nhiên, đây là tin tốt với người tiêu dùng nội địa, nhất là với nhóm người hưởng hưu trí. Nhờ đó, mức lạm phát của Nhật cũng được kiềm chế ở mức thấp tương đối trong khối OECD. Tất nhiên, các cổ đông lớn của những công ty Nhật cũng vui lòng với chính sách này khi biên lợi nhuận của họ tăng lên - đặc biệt là nếu đầu tư bằng đô la.
Vấn đề là, áp lực chi phí 63,4 yên còn lại sẽ "đổ" lên thu nhập của người lao động. Xu hướng cắt giảm chi phí sẽ tiếp tục tác động tới các nhà thầu phụ và các công ty ở tầng dưới của chuỗi giá trị.
Gần đây, Rengo - công đoàn lớn nhất Nhật Bản đã lên kế hoạch yêu cầu mức tăng 5% cho kỳ đàm phán lương mùa xuân năm tới. Vấn đề là, kể cả nếu công đoàn này thành công, Rengo chỉ có 7 triệu thành viên - một phần quá nhỏ của tổng dân số lao động tại Nhật. Chưa kể, các cuộc đàm phán tăng lương đã giậm chân tại chỗ và thất bại suốt 3 thập kỷ qua.
Có nhiều lý do giải thích cho việc thu nhập người lao động tại Nhật rất khó tăng, điển hình như thị trường lao động kém năng động, sự phân biệt giữa nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, mức lương khởi điểm thấp với cả các nhân công tay nghề cao... Nhưng một lý do quan trọng là việc sa thải nhân công tại Nhật là rất khó, dẫn tới nhiều vị trí kém hiệu quả làm nặng nề thêm quỹ lương. Chưa kể, động lực kinh tế đã chững lại do bài toán dân số già.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn