Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm, ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9%.
Điều này được cho là đến từ loạt lùm xùm liên quan đến toàn ngành bảo hiểm từ năm ngoái đến nay, đặc biệt là các thông tin tiêu cực trên các kênh thông tin truyền thông.
Trong một nghiên cứu, báo cáo của Vietnam Report cho biết, năm 2023, thị trường bảo hiểm "lao đao" khi các thông tin tiêu cực liên tiếp xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát cho biết đây là thách thức lớn nhất cho ngành trong năm nay.
Ngoài ra, nhóm ngành này còn đang đối diện với một số thách thức khác, như: người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm mới sụt giảm, tính cạnh tranh trong ngành ngày càng cao, người tiêu dùng chưa thực sự hiểu về các chính sách bảo hiểm.
Kết quả kinh doanh mới nhất trong 6 tháng đầu năm cho thấy những thách thức trên đã phần nào tác động đáng kể tới lợi nhuận và doanh thu các công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm Prudential Việt Nam báo cáo lãi bán niên đạt 1.342 tỷ, giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu giảm nhẹ nhưng chi phí hoạt động lại tăng vọt lên 12.300 tỷ, tương đương với 49,6%.
Tổng tài sản tăng nhẹ khoảng 7 nghìn tỷ, tuy nhiên, đồng nghĩa với điều này, nợ phải trả cũng tăng do các khoản vay của công ty tăng lên, tổng nợ phải trả đạt 147.300 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng tài sản, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 12,3%.
Bảo hiểm Manulife, một trong những công ty bảo hiểm được chú ý nhiều nhất, cũng báo nửa đầu năm kinh doanh không mấy khả quan.
Cụ thể, doanh thu thuần giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, do vậy, bảo hiểm Manulife thu lãi 1.949 tỷ đồng, giảm gần 30%. Ngoài doanh thu giảm, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng mạnh 27,3%. Trong đó, chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng 45%.
Tổng tài sản tính đến hết tháng 6, Manulife đạt 111.544 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng cũng như Prudential, Manulife đã tăng số nợ phải trả đáng kể, chiếm 83% tổng tài sản, vốn chủ sở hữu chiếm 17%.
Đặc biệt, công ty đã tích cực tham gia vào đầu tư chứng khoán và trái phiếu trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng của giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu tăng trung bình khoảng 70%/năm từ 2015 đến 2022. Tính riêng năm nay, khi thị trường chứng khoán hồi phục trong nửa đầu năm, công ty đã chi gần 1.800 tỷ đồng vào cổ phiếu.
Ở một khía cạnh khác, vẫn xuất hiện những "điểm sáng" ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong nửa đầu năm nay.
Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán: MIG, HOSE) đạt 128.346 tỷ đồng, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo công ty giải trình, kết quả trên chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 13,3%.
Liên quan đến mã cổ phiếu MIG, tính đến hết phiên cuối tuần, MIG có giá 17.800 đồng/cp, đi ngang so với phiên hôm qua, MIG đang trong đà hồi phục trở lại sau "cú rơi" cùng toàn thị trường vào cuối tuần trước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn