Nhiều gia đình Anh lao đao vì luật nhập cư

07:00 | 31/03/2016;
Những quy định trong Luật Nhập cư của Anh được áp dụng hơn 3 năm qua đã trở thành một bức tường ngăn cách những gia đình có người hôn phối là người ngoại quốc...

 Thu nhập thấp, gia đình ly tán

Tổ chức Quan sát Di cư ước tính, theo quy định mới của Luật Nhập cư thì có 61% lao động nữ và 32% lao động nam ở Anh không đủ điều kiện để đoàn tụ gia đình.

Jessie Najjar, 27 tuổi, một cư dân của Yorkshire, Anh đang rất đau buồn khi mỗi ngày cô chỉ được gặp mặt chồng và cô con gái 8 tháng tuổi chỉ được gặp mặt cha qua internet. Jessie tủi thân: “Làm thế nào bạn giải thích cho một đứa trẻ rằng cha của nó không được phép có mặt ở đây vì không phải người của đất nước này, trong khi, xung quanh, tất cả bạn bè của cha nó lại đang sống ờ đây?  Mỗi ngày tôi đều lo sợ khi nghĩ đến anh ấy”.

Ghassan, chồng của Jessie là người Palestine và vì thế, gia đình họ đang phải đối mặt với một rào cản rất lớn để được sống bên nhau tại xứ sở sương mù. Không chỉ gia đình của Jessie mà rất nhiều gia đình khác có chồng (vợ) đến từ Colombia, Nhật Bản, Úc hoặc từ bất kỳ quốc gia nào nằm ngoài Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cũng đều đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Jessie đã cố gắng làm việc cật lực nhưng vẫn không đủ 18.600 bảng Anh một năm (mức thu nhập tối thiểu mà Luật Nhập cư mới của Chính phủ Anh yêu cầu công dân phải kiếm được) để chồng (vợ) không thuộc các quốc gia EEA được đoàn tụ cùng nhau. Quy định mức thu nhập này sẽ tăng lên 22.400 bảng Anh với những gia đình có một con và tăng thêm 2400 bảng cho mỗi đứa con thứ tiếp theo. Nếu người kết hôn là công dân Anh không đảm bảo mức lương như Luật đề ra thì bất chấp thu nhập của người còn lại (ngoại quốc) có cao bao nhiều, gia đình họ cũng bị trục xuất hoặc phải rơi vào hoàn cảnh con cái lớn lên mà thiếu cha hoặc mẹ.

Một quy định nữa cũng khiến các gia đình lao đao thêm đó là, nếu một công dân Anh đang thất nghiệp, họ có thể nộp đơn xin thị thực cho chồng (vợ) ngoại quốc của mình nếu họ có 62.000 bảng Anh gửi tiết kiệm trong ngân hàng trong vòng hơn 6 tháng. Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, điều này dường như vượt ngoài tầm với của rất nhiều người.

“Chúng tôi đang sống ở miền Bắc nước Anh, Ở đây, thậm chí những người quản lý cũng khó kiếm được số tiền như vậy. Chúng tôi đã không kiếm ra tiền lại còn phải mất tiền đi qua đi lại để Watan có thể thăm cha của nó”, Jessie nức nở. Cô cho biết, sau nhiều tháng gửi đơn  phản đối lên Chính phủ mà không thấy hồi âm, cô đã đề cập vấn đề với chính quyền địa phương nhưng họ thẳng thắn cho cô lời khuyên: Đơn giản là hãy chấp nhận hậu quả do những quyết định của mình! Jessie chỉ là một trong hàng ngàn công dân Anh đã trót yêu người ngoại quốc và họ đã không đáp ứng đủ mức thu nhập để gia đình được sống bên nhau.

Trước sức ép về gánh nặng phúc lợi căng thẳng và thị trường lao động khủng hoảng khi tại một thời điểm có 2,3 triệu người Anh đang thất nghiệp, Chính phủ Anh đưa ra một cam kết hết sức mơ hồ sẽ cắt giảm “hàng chục ngàn” người nhập cư vào năm 2015. Một số quan chức cho rằng, việc nhập cư ồ ạt đã gây khó khăn cho việc duy trì sự gắn kết, ổn định xã hội, gây áp lực lên các dịch vụ công của chúng ta và càng đè nặng lên những người có thu nhập thấp. Các nhà làm luật đã nhận sự tư vấn từ Ủy ban Tư vấn Di cư về vấn đề thu nhập để đảm bảo những người đến vương quốc Anh có thể làm việc kết hôn mà không trở thành gánh nặng cho những người đóng thuế.

Tuy nhiên, những quy định mới của Luật Nhập cư đã vô tình đẩy những bà mẹ mới sinh con và không có thu nhập vào chân tường. Khi những người chồng ngoại quốc của họ không được làm việc tại Anh để nuôi gia đình thì những người phụ nữ đáng thương này lại càng phụ thuộc vào nguồn phúc lợi xã hội. Những đối tượng khác như sinh viên hoặc đang làm nghiên cứu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

1.jpg
 

Chiến dịch đòi công lý

Jessica Peposhi, 26 tuổi, một nghiên cứu sinh, đứng bên ngoài Tòa án Tư pháp Hoàng gia ở trung tâm London, đợi kết quả kháng cáo lên Bộ Nội vụ để giành quyền được xây dựng  tổ ấm ở Anh bức xúc: “Tôi bị chia cắt với chồng từ năm 2012 khi các quy định mới được thực thi và tôi cảm thấy mình có đủ quyền như mọi người khác để có một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc. Tôi thậm chí còn chưa biết cuộc sống hôn nhân như thế nào vì chúng tôi đã không có cơ hội để sống bên nhau. Tôi không muốn đi khỏi đất nước mình. Tại sao tôi phải ra đi chỉ vì tôi kết hôn với một người mà tôi yêu?”

Arban, chồng của Jessica là một người Albania. Thời gian sống tại Anh, anh đã làm việc siêng năng 6 ngày một tuần cho đến khi hết hạn visa. Kể từ khi có Luật mới, anh bị từ chối nhập cảnh vào Anh vì bị nghi ngờ thị thực du lịch của anh đã quá hạn. “Ngay cả tù nhân cũng có quyền được ai đó đến thăm họ hai lần một tháng. Điều này càng tôi có cảm giác như tôi không thuộc về đất nước mình nữa”, Jessica nghẹn ngào nói.

Sau khi tiếp nhận đơn kháng cáo, Tòa án tối cao đã tuyên bố rằng những đòi hỏi của chính phủ là “nằng nề”, “không công bằng” và “phí lý”. Tuy nhiên, toà án bất lực trong việc thay đổi chính sách. Bộ Nội vụ trong một tuyên bố đã cho biết: “Chúng tôi hoang nghênh những người muốn có một cuộc sống ở Anh với gia đình, làm việc chăm chỉ và có đóng góp. Nhưng cuộc sống gia đình không được xây dựng ở đây trên tiền thuế của người dân. Để có cuộc sống toàn vẹn tại Anh, gia đình người nhập cư phải có khả năng thích ứng..”

Katharine Williams – Radojicic là một trong những người may mắn. Cô đã tích cóp đủ tiền để có thể đoàn tụ với người chồng Montenegro của mình, mặc dù cô đã phải bỏ ra hơn 3000 bảng Anh chỉ xin được thị thực thời hạn 1 năm. Katharine cho biết, cô đã gần như chết đứng khi đọc được những thay đổi trong bộ luật và tìm mọi cách để được sống bên chồng. “Tôi từng nói rằng, từ London đến Podgorica (thủ đô của Montenegro) cách nhau 3.220 km và nếu đi bộ có thể đem lại hạnh phúc, tự do cho chúng tôi, tôi sẽ đi bộ ngay từ bây giờ”. Được biết, Katharine hiện đang sử dụng những kinh nghiệm của bản thân khởi động một chiến dịch kêu gọi những gia đình bị ly tán đoàn kết lại để đi tìm công lý. Nhiều người trong số đó đã cùng nhau viết một cuốn sách mang tên Love Letters gửi đến Bộ Nội vụ. “Một người nào đó trong Bộ Nội vụ sẽ đọc được Love Letters và cầu nguyện cho luật sẽ được thay đổi”, Katharine hy vọng.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn