Cũng giống như rất nhiều gia đình khác, gia đình của chị Shiba Kala Limbu đang khốn đốn vì đại dịch. Anh Ram Kumar, chồng chị vốn là một thợ xây ở Qatar. Nhưng khi Covid-19 xảy ra, anh rơi vào cảnh thất nghiệp và không có đủ tiền để chu cấp cho vợ cũng như con gái.
Chị Limbu thường xuyên phải nhịn đói vì không có đủ thực phẩm dành cho cả gia đình. Vừa gọt khoai tây trong căn bếp kiêm phòng ngủ mà chị thuê ở Thủ đô Baniyatar, chị Limbu vừa than thở: "Tình cảnh hiện tại của gia đình tôi thật bi đát. Tôi đã nhiều lần phải nhịn ăn tối để nhường thức ăn cho con gái".
Trước đại dịch, mỗi tháng, chị Limbu nhận được 20.000 rupee Nepal (khoảng 165 USD) từ chồng. Nhưng suốt 6 tháng qua, toàn bộ số tiền mà anh Kumar gửi về chỉ là 40.000 rupee Nepal. Số tiền này quá ít ỏi, không đủ cho chị và con gái sinh hoạt hằng ngày và chị Limbu phải vay mượn bạn bè. "Đó là tất cả những gì anh ấy có thể xoay xở trong năm nay", chị Limbu tâm sự. "Tôi lấy một phần để trả tiền thuê nhà và phần còn lại để mua đồ ăn".
Ở phía Tây Nam thị trấn Gajedah (Nepal), chị Radha Marasini cho biết chồng mình là Indra Mani đã mất công việc bảo vệ ở một nhà máy dệt ở Ấn Độ do đại dịch. Tiền cạn dần, người phụ nữ 43 tuổi khốn khổ này không có cách nào khác ngoài việc đi vay tiền và trả lãi hàng tháng để đảm bảo mình cùng cậu con trai 15 tuổi sống sót. "Nếu tình hình không khá lên, chúng tôi chỉ có thể ăn một bữa mỗi ngày", chị Marasini than vãn.
Trong những năm qua, đã có hàng triệu lao động Nepal tới làm việc ở Malaysia và các quốc gia dầu mỏ Trung Đông. Số liệu thống kê cho thấy 56% trong số 5,4 triệu gia đình ở Nepal, chủ yếu là các gia đình dưới mức trung lưu, trông cậy vào nguồn thu nhập từ nước ngoài gửi về. Tuy nhiên, Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế của cả thế giới và khiến các lao động nhập cư mất việc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, kiều hối của Nepal đạt tổng cộng 8,1 tỷ USD vào năm ngoái, tức là hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này. Nhưng lượng tiền này có khả năng giảm tới 14% trong năm 2020 do suy thoái kinh tế toàn cầu vì đại dịch Covid-19 gây ra, cũng như tình trạng giá dầu liên tục giảm.
Theo ông Ganesh Gurung, chuyên gia về các vấn đề nhập cư từ Viện Nghiên cứu phát triển Nepal, kiều hối đóng vai trò rất quan trọng đối với các gia đình Nepal đang sinh sống ở các thành phố. Họ dựa vào nguồn tiền này để trả tiền thuê nhà, mua nhu yếu phẩm, trả học phí cho con cái và các tiện ích khác. Ông Gurung cho rằng: "Không có kiều hối, các gia đình này sẽ ngày càng nghèo hơn, những tội ác như buôn người và mại dâm có thể sẽ gia tăng".
Tính đến nay, Nepal đã có hơn 13.200 trường hợp mắc Covid-19 và 29 ca tử vong. Dù mất việc, một số lao động nhập cư như trường hợp anh Ram Kumar, chồng của chị Limbu, vẫn chọn ở lại nước ngoài để hy vọng có thể tiếp tục làm việc khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Anh Kumar chia sẻ: "Tôi không hề muốn xa gia đình. Nếu có cơ hội làm việc ở Nepal, tôi nhất định sẽ về thay vì ở lại Qatar. Nhưng vấn đề là mọi thứ ở quê hương vẫn đang rất mờ mịt. Tôi chỉ mong dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi để tôi và mọi người sớm có việc làm trở lại".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn