Dịp trước Tết nguyên đán là thời điểm tội phạm ngân hàng hoạt động mạnh. Kẻ xấu sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho khách hàng và nhiều ngân hàng.
Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục đưa ra những cảnh báo lừa đảo hình thức tinh vi, thay đổi thường xuyên, khiến nhiều khách hàng vô tình thành nạn nhân của tội phạm.
Một số phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng phổ biến:
- Cài đặt số điện thoại "ảo", khiến cho điện thoại của nạn nhân hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Kiểm tra số đúng với thực tế, nên nhiều người tin đây là cuộc gọi của cơ quan chức năng. Từ đó, cung cấp mật khẩu, OTP cho kẻ lừa đảo. Ngay lập tức, tiền trong tài khoản bị kẻ xấu chiếm đoạt.
- Lập số điện thoại gần giống hotline của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, kẻ xấu cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản.
- Lập trang web gần giống website của ngân hàng để lừa đảo những người chuyển tiền, thanh toán tiền online.
Theo ngân hàng Techcombank, các bước cơ bản để kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo gồm: Thu thập thông tin khách hàng như tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ email…; tới các thông tin về thẻ tín dụng (số thẻ, số CVV, hạn sử dụng), thông tin về tài khoản (username, mật khẩu, số dư, lịch sử giao dịch,…). Nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình lên trên Facebook.
Sau khi đã có một số các thông tin, kẻ gian sẽ giả danh nhân viên ngân hàng, tổng đài của ngân hàng, hoặc cơ quan chức năng,… để liên hệ với khách hàng qua điện thoại hoặc tin nhắn. Với thông tin đã có từ trước, kẻ gian dễ dàng chiếm lòng tin và lấy được thông tin cá nhân, mã số OTP… Khi đã có thông tin, kẻ gian chiếm đoạt tài khoản và lập tức rút hết tiền trong tài khoản.
Xuất hiện những hình thức lừa đảo mới trên mạng xã hội
Theo Vietcombank, dịp Tết nguyên đán là mùa mua sắm online. Đây cũng là cao điểm của các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính. Ví dụ, khi khách hàng sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo... đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng. Đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi. Sau đó, lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận.
Maritime Bank cũng đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua E-Banking. Kẻ xấu giả mạo thông báo tài khoản của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực. Khách hàng được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại. Khách hàng đăng nhập sẽ bị chiếm đoạt thông tin bảo mật cá nhân...
Ngân hàng SHB cho biết, hình thức lừa đảo phố biến nữa là nạn nhân sẽ nhận được thông điệp (thông qua tin nhắn, email, chat qua facebook messenger …) với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản. Kèm theo đó là yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để nhận thưởng.
Khi truy cập vào website giả mạo, đăng nhập Internet Banking, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker. Kẻ xấu sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản để thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác…
Khuyến cáo từ các ngân hàng:
Để bảo vệ tài khoản cá nhân và tài sản, các ngân hàng đưa ra khuyến cáo:
- Tuyệt đối giữ bí mật các thông tin bảo mật ngân hàng bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã Smart OTP.
- Tuyệt đối giữ bí mật các thông tin trên thẻ.
- Tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn