Bắt nạt trực tuyến đôi khỉ chỉ là “trêu đùa cho vui”
Theo thông tin tại hội thảo khoa học “Chương trình can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” do trường ĐH Giáo dục tổ chức vừa diễn ra, cứ 10 học sinh thì có 3 đến 4 em bị bắt nạt trực tuyến. Hành vi trên không gian ảo nhưng đang để lại những hậu quả khôn lường.
TS Trần Văn Công (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự nghiên cứu tại 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa năm 2018 cho thấy gần 34% học sinh THCS, THPT tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như là nạn nhân, chỉ là thủ phạm, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.
Nguyên nhân của việc bắt nạt trực tuyến ngày càng nhiều, theo TS Trần Văn Công, ở bậc THCS, học sinh bắt đầu yêu đương và thường xảy ra mâu thuẫn khi nhiều người cùng thích một bạn. Để bôi nhọ, đe dọa “đối thủ”, chúng cố ý đăng, gửi hoặc chia sẻ, truyền đạt những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Điều này đã làm ảnh hưởng danh dự, gây tổn thương cho người khác.
Thế nhưng, có những nguyên nhân của việc bắt nạt trực tuyến lại không bắt nguồn từ mâu thuẫn gì. PGS-TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, nguyên nhân học sinh đi bắt nạt trực tuyến với mục đích nhiều người biết hơn để gây áp lực với bạn đó, gây chú ý, trả thù bạn. Thế nhưng, đáng chú ý, một nguyên nhân học sinh bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất, được nêu ra đó là “chỉ là trêu đùa cho vui”.
Hậu quả của bắt nạt trực tuyến rất khó lường
PGS-TS Trần Thành Nam cho biết, bắt nạt trực tuyến để lại hậu quả rất lớn. Có nữ sinh bị chê ngoại hình béo mập, xấu xí đã nhịn ăn, móc họng để nôn ra vì ăn hơi nhiều khi đọc những bình phẩm của các bạn trên mạng. Thậm chí, em còn rạch tay, tự làm mất máu và còn nghĩ đến việc sẽ chết thế nào. May mắn, mẹ em phát hiện kịp và phải đưa em đến bác sĩ tâm lý để điều trị.
Hay câu chuyện của nữ sinh lớp 8 mang xăng đến đốt trường từ chia sẻ của TS Nguyễn Hồng Kiên (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng là hậu quả của việc bắt nạt trực tuyến. Ban đầu, nữ sinh này chỉ muốn giật tít câu like nên nói giỡn chơi nếu dòng trạng trái được 1.000 like sẽ mang xăng đến đốt trường. Không thể ngờ, khi đạt số like này, bạn bè lại dồn ép em bằng tin nhắn, bằng các tin đăng trên tường (wall) để ép buộc em phải thực hiện việc đốt trường. Không vượt qua được áp lực từ mạng xã hội, em buộc phải đi đốt trường dẫn đến việc 2 chân em đã bị bỏng nặng và phải nhận viện.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, phần lớn học sinh bị bắt nạt trực tuyến không biết cách ứng phó, không nói với cha mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn. Thế nên, dẫn đến tình trạng nhiều em bị căng thẳng, trầm cảm, các em thường giải tỏa bằng cách tự làm thân thể mình chảy máu, nhịn ăn.
Trước vấn đề bắt nạt trực tuyến xảy ra ngày càng nhiều, theo TS Trần Văn Công, cần nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh về bắt nạt trực tuyến; trang bị những kỹ năng ứng phó khi bắt nạt trực tuyến xảy ra.
TS Trần Văn Công cũng cho rằng, vai trò nhà trường ở đây gần như mấu chốt, là trọng tâm vì nhà trường có cả hệ thống sinh thái, bao gồm cả Ban giám hiệu, thầy cô giáo. Đặc biệt, phụ huynh cũng tham gia rất nhiều vào trong đó, cùng với các học sinh. Khi tác động vào cả hệ thống nhà trường, đồng nghĩa với việc sẽ tác động vào hành vi của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội.
Theo quan sát của TS Nguyễn Hồng Kiên, các học sinh khi sử dụng mạng xã hội thường không kết bạn, thậm chí chặn Facebook của bố mẹ, thầy cô vì các em không muốn bị kiểm soát. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ nên có hệ thống “tai mắt” riêng để giám sát con em mình, để ngăn chặn cũng như bảo vệ kịp thời khi con bị bắt nạt trực tuyến.