Chị Linh cho biết, các bạn trẻ ngày nay rất sáng tạo, nhanh nhạy, giỏi kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ, làm việc khá hiệu quả. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ đặt cái tôi quá cao. Họ không dễ nhận sai và hơn thua trong công việc. Họ có biểu hiện thích thể hiện bản thân, ngại bị phê bình.
Đặc biệt, có không ít người trẻ làm việc kiểu "việc ai người ấy làm", không quan tâm đến đồng nghiệp, chỉ quan tâm đến việc của mình. Chứng kiến đồng nghiệp loay hoay với công nghệ mới, họ cũng mặc kệ.
Là người tiếp xúc và làm việc nhiều với bạn "gen Z", chị Nguyễn Hoài Anh (Q. Tân Bình, TP.HCM) cho biết, bên cạnh những điểm mạnh, nhiều "gen Z" lại khó hoà hợp ở công sở.
"Các bạn thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc. Điều này xảy ra chủ yếu ở những bạn đi làm với tâm lý "không làm được thì về nhà có bố mẹ nuôi". Họ không nghĩ đây là công việc có ý nghĩa quyết định, nuôi sống bản thân mình nên thiếu sự cố gắng hoặc không quan tâm đến việc tích lũy kinh nghiệm cho sự phát triển sau này.
Bên cạnh đó, có không ít bạn trẻ thiếu sự gắn kết trong công việc tập thể. Họ không có suy nghĩ công việc là của chung, giúp đỡ nhau cùng đi lên, mà muốn phân rạch ròi trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Cứ thế, các bạn "việc ai người đấy làm", ai sai thì người đó tự chịu, chứ không chấp nhận "cùng sướng, cùng khổ" với đồng nghiệp".
Giống như đánh giá của chị Hoài Anh, anh Nguyễn Cường (Quận 3, TPHCM) cho biết: "Thời của chúng tôi khác hẳn với các bạn trẻ bây giờ. Trước đây, khi mới đi làm, tôi luôn có mục tiêu sẽ cống hiến hết mình cho công việc. Để cống hiến được nhiều nhất, chúng tôi làm mọi việc được giao với hết khả năng của mình, sẵn sàng hộ trợ đồng nghiệp trong mọi công việc và tình huống.
Trong khi đó, làm việc với Gen Z bây giờ, tôi thấy có một sự khác biệt rất lớn trong tư tưởng. Các bạn trẻ chỉ hoàn thành đúng công việc chuyên môn như trong hợp đồng ban đầu và đòi hỏi được trả lương đầy đủ. Thực tế, nhiều bạn có năng lực tốt, có thể làm được nhiều việc hơn nữa nhưng họ nhất quyết không chịu cống hiến thêm".
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Anphabe, đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực và thương hiệu nhà tuyển dụng, đã chỉ ra rằng: Bản chất cạnh tranh của Gen Z góp phần khiến họ muốn tự kiểm soát công việc của mình, không dựa dẫm.
Vì vậy, người khác thường xuyên cảm thấy "Gen Z" tự cao trong giao tiếp và ngại lắng nghe những phê bình. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể được nhìn nhận theo một khía cạnh khác. Thế hệ Z luôn chủ động tìm tòi và tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, vì vậy họ có những ý kiến mạnh mẽ và muốn được lắng nghe.
Họ đặc biệt mong muốn tạo sự đóng góp bình đẳng trong công việc và được trao quyền tự quản lý, dẫn dắt các dự án để vững bước hơn trong sự nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn