Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Dệt may là ngành sản xuất có đông người lao động. Số liệu thống kê cho thấy, toàn ngành hiện có khoảng 2,5 triệu lao động trong đó 70% là lao động nữ. Nếu tính theo mức trung bình về tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn nêu trên thì số lao động nữ ngành dệt may bị hiếm muộn, vô sinh không phải con số nhỏ. Thống kê chưa đầy đủ do Công đoàn Dệt may Việt Nam tổng hợp từ 4 doanh nghiệp dệt may là Tổng công ty May 10, Công ty cổ phần may Đức Hạnh (Hà Nam), Công ty Cổ phần Tiên Hưng (Hưng Yên), Công Ty Cổ phần Dệt May Huế (Thừa Thiên - Huế), có tới 60 lao động nữ hiếm muộn sau khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp lao động nữ ngành dệt may phải nghỉ không hưởng lương để chữa trị hiếm muộn nhưng chưa có nên Công đoàn Dệt may không thống kê vào danh sách này.
Tổng công ty May 10 là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may với trên 10.000 lao động, hàng năm đóng trên 100 tỷ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, có một thực tế nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật BHXH là một bộ phận lao động nữ bị hiếm muộn khi sinh con chưa được hưởng chế độ thai sản mặc dù trước đó đã có nhiều năm tham gia đóng BHXH.
Tại Công văn số 378/TCT-TCHC ngày 17/4/2024 của Tổng công ty May 10 gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), doanh nghiệp này cho biết: Chính sách để người lao động được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH hiện nay như sau:
+ Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
+ Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Trên thực tế, một bộ phận người lao động nữ bị hiếm muộn nên họ phải nghỉ dài ngày để thực hiện các kỹ thuật, chỉ định của chuyên môn y tế. Do phải nghỉ dài ngày nên họ không đảm bảo được điều kiện phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh theo luật định. Vì vậy, những trường hợp này khi sinh con cũng không được hưởng chế độ thai sản cho dù trước đó họ có thể đã có nhiều năm đóng BHXH.
Không chỉ vậy, với những trường hợp này, lao động nữ còn chịu thêm một lần thiệt thòi nữa, đó là do không được hưởng chế độ thai sản nên thời gian nghỉ sinh con của họ không được tính vào thời gian công tác.
Theo kiến nghị của Tổng công ty May 10, để tránh thiệt thòi và đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động nữ đã tham gia BHXH, trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này cần bổ sung chế độ thai sản cho người lao động nữ hiếm muộn phải nghỉ dài ngày không thể tham gia đóng BHXH đủ thời gian 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh như quy định hiện hành.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thêm cho một bộ phận lao động nữ đã có nhiều thiệt thòi, vất vả để được làm mẹ, đơn vị này kiến nghị với những lao động nữ phải điều trị vô sinh, hiếm muộn nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên trước khi sinh thì được hưởng chế độ thai sản.
Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngày 30/5/2024, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có văn bản số 3471/ĐCT- CSLP do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương ký gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với nhiều nội dung bỏa vệ quyền lợi cho lao động nữ.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ phải nghỉ dài ngày điều trị hiếm muộn, vô sinh, văn bản góp ý của Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu: "Trong thực tế, đối với một số lao động nữ phải thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản do vô sinh, hiếm muộn và phải nghỉ làm việc theo chỉ định của cơ sở y tế thì sau khi sinh con sẽ không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản. Điều này khiến cho lao động nữ dù trước đó đã có nhiều thời gian đóng BHXH nhưng đến thời điểm sinh con thì không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Trước khi sinh con, họ không được hỗ trợ từ bảo hiểm y tế do theo quy định hiện hành, việc sinh con bằng phương pháp hỗ trợ thai sản không thuộc danh mục được chi trả. Sau khi sinh con, họ lại không được bù đắp về thu nhập, do sức ép về kinh tế phải đi làm sớm mà việc này người sử dụng lao động không nắm bắt được, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bà mẹ, trẻ em, cũng như việc sử dụng lao động của cơ quan, doanh nghiệp… Vì vậy, trong thực tế, do ràng buộc điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng chính sách thai sản nên nhiều lao động nữ có đóng BHXH nhưng lại không được hưởng".
Hội LHPN Việt Nam đề nghị cần rà soát và sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH của lao động nữ nhằm đảm bảo cho một bộ phận lao động nữ có nhiều thiệt thòi, vất vả để được làm mẹ… được hưởng chế độ thai sản theo hướng bổ sung vào khoản 2, điều 52 như sau: "Đối tượng thuộc điểm b, khoản 1 không đáp ứng về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều này, nhưng cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận quá trình điều trị hiếm muộn và trước đó có thời giant ham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên".
(Công văn số số 3471 /ĐCT- CSLP ngày 30/5/2025 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn