Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả đồi Phụ nữ xã Tiến Xuân, chị Bùi Thị Ngọc đã luôn gương mẫu trong việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế.
"Hiện mỗi năm gia đình tôi cho ra thị trường 7.000-10.000 con gà thương phẩm. Ngoài ra, tôi còn mạnh dạn nâng cao chất lượng sản phẩm bằng mô hình gà trống thiến, đem lại giá trị kinh tế cao và đang hoàn thiện thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán 2024 này, gia đình tôi sẽ cung cấp ra thị trường 1.000 con gà trống thiến và 3.000 con gà thương phẩm sạch", chị Ngọc chia sẻ.
Ngoài việc thực hiện chăn nuôi gà thả đồi, gia đình chị Ngọc còn thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng và nuôi dê theo hướng thực phẩm sạch.
Chị Ngọc cũng cho hay, mô hình phát triển kinh tế này giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động có thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Chị Bùi Thị Ngọc cho biết, có được thành công như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Tiến Xuân.
Trong thời gian qua, Hội LHPN xã Tiến Xuân đã luôn đi đầu trong công tác vận động, hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, vốn vay qua các kênh Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp… để hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ đã được thành lập, tiêu biểu có thể kể đến như Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi gà thả đồi với 15 thành viên do chị Bùi Thị Ngọc làm tổ trưởng.
Không chỉ vậy, Hội còn là nơi kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên, phụ nữ; động viên hội viên mạnh dạn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng xuất.
Tiến Xuân là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thời gian qua, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Mường nơi đây đã tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế.
Điển hình là chị Nguyễn Thị Hường - thôn 6, xã Tiến Xuân, từ một gia đình khó khăn, một mình nuôi 2 con, chị đã được Hội LHPN xã giúp đỡ học nghề mây giang đan và sau đó, chị lại mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Với tinh thần chịu khó học hỏi, chị Hường đã phát triển được mô hình mây giang đan và đến nay duy trì 35 - 50 công nhân với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng/công nhân. Trừ chi phí, chị Hường thu về 300 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Nhung, chị Nguyễn Thị Quyên, chị Vũ Thị Liên từ một hội viên không có việc làm ổn đinh, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ cho chị em vay vốn, Hội LHPN xã giúp đỡ học nghề, định hướng khởi sự kinh doanh. Đến nay, các chị đã thành công và có thu nhập ổn định.
Ngoài các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp và khởi sự kinh doanh, Hội còn là nòng cốt trong việc thành lập đội văn nghệ du lịch cộng đồng. Đến nay, 5/7 chi hội thành lập đội văn nghệ văn hóa du lịch cộng đồng phục vụ các chương trình giao lưu văn nghệ, các sự kiện, Homstay, Farmstay trong và ngoài địa bàn. Qua đây đã giới thiệu được những đặc trưng, nét đẹp của bản sắc truyền thống dân tộc, từ văn hóa đời sống, trang phục, ẩm thực, chiêng Mường, múa hát dân ca của dân tộc đến du khách. Đây là một mô hình phát triển kinh tế tiềm năng, đem lại thu nhập cao cho hội viên phụ nữ.
"Các mô hình không chỉ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình các hội viên, phụ nữ mà còn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên khác và nhân dân, qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3 hộ, chiếm 0,17%", Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân cho biết.
Ngẫm lại những công việc mình đã làm thời gian qua, chị Ngọc cho rằng: "Làm kinh tế đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Nhờ đó, các thành viên trong đình luôn yêu thương chia sẻ, là tiền đề vững chắc để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn