Cụ thể, ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) bất ngờ tăng 0,2% lãi suất ở kỳ hạn từ 6-36 tháng. Lãi suất kỳ hạn từ 6-11 tháng đang dao động mức 3,8%/năm, kỳ hạn từ 12-36 tháng đang là 4,2%/năm. Khách hàng gửi trực tuyến thì lãi suất cao hơn 0,3% ở tất cả các kỳ hạn. Các kỳ hạn từ 1-5 tháng vẫn giữ nguyên mức 3%/năm.
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) cũng tăng lãi suất huy động 0,2% ở các kỳ hạn từ 12-18 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 5%, 13 tháng là 5,2%, 15 tháng là 5,8% và 18 tháng là 5,9%.
Tại ngân hàng VPBank, với khoản tiền gửi dưới 1 tỉ đồng đã tăng thêm 0,1 - 0,2%/năm, ở tất cả các kỳ hạn so với đầu tháng 3. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng lên 2,4%/năm; 6 - 11 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 4,2%/năm. Kỳ hạn từ 12 - 18 tháng tăng lên 4,5%/năm; từ 24 tháng trở lên áp dụng 4,9%/năm.
Tương tự, tại Eximbank lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng cũng tăng thêm 0,3%/năm, lên 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,3%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm.
Ngân hàng Saigonbank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng với mức tăng từ 0,2 - 0,4%/năm tùy kỳ hạn.
Tuy nhiên, tại các ngân hàng nhóm Big 4, lãi suất huy động vẫn giảm nhẹ. Mức lãi suất cao nhất là 4,8%/năm. Còn kỳ hạn 1 đến dưới 12 tháng thấp kỷ lục. Đơn cử, tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng là 4,7%/năm. Kỳ hạn 6 - 11 tháng là 3%/năm, 1,6%/năm áp dụng kỳ hạn 1 và 2 tháng.
Như vậy, sau gần 1 năm liên tục giảm, đưa mức lãi suất huy động về thấp nhất trong 20 năm qua, đến nay lãi suất huy động đang có dấu hiệu rục rịch tăng trở lại.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thúy Anh, trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức thấp kỷ lục trong những tháng đầu năm 2024, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đã có phần chững lại. Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết nền kinh tế đang bắt đầu "ngấm vốn". Tính đến 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và tháng 2 âm.
Xu hướng trên khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động trở lại nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tiền gửi trong năm 2024 sẽ không tiếp tục giảm nữa mà tăng dần trở lại từ giữa đến cuối năm, với tổng mức tăng khoảng 0,5% so với năm 2023.
Còn Công ty cổng phần Chứng khoán MB (MBS) dự kiến, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm %. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang dần phục hồi, đây sẽ là một yếu tố tác động đến các kế hoạch kinh doanh vốn và ngoại hối tại các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn