Nhiều người dân lơ là phòng dịch, Hà Nội làm gì để nới lỏng giãn cách mà vẫn an toàn?

12:03 | 20/09/2021;
Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách ở 19 quận, huyện thì đã xảy ra tình trạng không ít người dân lơ là phòng chống dịch. Làm thế nào thành phố quay trở lại trạng thái "bình thường mới" mà vẫn đảm bảo an toàn?

"Bung lụa"

Ngay sau khi Hà Nội có quyết định nới lỏng giãn cách ở 19 quận, huyện thì tại các đoạn đường ven hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) hay khu vực trên cầu Long Biên đã tập trung khá đông người dân đổ ra đường. Không chỉ tập trung đông người, các bạn trẻ còn vô tư kéo khẩu trang xuống để nói chuyện. Nhiều bạn trẻ còn mua đồ ăn nhưng không mang về nhà mà tụ tập thành các nhóm nhỏ để ngồi ăn uống cùng nhau.

Theo ghi nhận của phóng viên, khi vừa được nới lỏng giãn cách, người dân đổ về một số hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm, quà lưu niệm trên các tuyến đường Tô Hiệu, Trần Thái Tông, Cầu Giấy... mua đồ chơi Trung thu khá đông. Cảnh chen chân chọn mua đồ chơi Trung thu diễn ra ở một số thời điểm, làm dấy lên lo ngại về an toàn phòng dịch Covid-19.

Thậm chí, tuy nằm ở khu vực chưa được nới lỏng giãn cách, song một số cửa hàng bán đồ chơi ở phố Hàng Mã (Q.Hoàn Kiếm) vẫn hé cửa bán hàng. Việc mua bán, mặc cả, trao đổi được thực hiện qua khe cửa.

Thậm chí, vừa qua, quận Tây Hồ đã phải yêu cầu tạm đóng cửa một số cửa hàng bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê do tại đây có rất đông người xếp hàng chờ mua bánh nhưng không theo thứ tự, không đứng giãn cách.

Nhiều người dân lơ là phòng dịch, Hà Nội làm gì để nới lỏng giãn cách mà vẫn an toàn? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng mua bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê, Hà Nội. Ảnh minh họa: afamily

Những ngày qua, tuy Hà Nội mới chỉ nới lỏng giãn cách ở 19 quận, huyện, song nhiều người dân sinh sống ở Thủ đô, kể cả đang ở trong vùng chưa được nới lỏng, vẫn ra đường tập thể dục mà không đeo khẩu trang, thậm chí tụ lại thành các nhóm nhỏ.


Càng nới lỏng càng không được chủ quan, lơ là

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sau khi nới lỏng một số hoạt động, người dân cần phải tránh tâm lý buông xuôi, chủ quan. Thay vào đó, càng được nới lỏng thì người dân càng phải cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng dịch của thành phố.

"Trong bối cảnh cả nước vẫn còn nhiều vùng dịch, đặc biệt là tại Bình Dương và TPHCM… và Thủ đô cũng chưa thể "sạch bóng F0" thì nguy cơ dịch ở Hà Nội vẫn rất cao", ông Trần Đắc Phu khuyến cáo và cho rằng, trong thời gian tới, thành phố cần duy trì các biện pháp kiểm soát người dân để không được lơ là phòng chống dịch, liên tục triển khai xét nghiệm các nhóm đối tượng nguy cơ, nhóm ho sốt và các vùng nguy cơ trên địa bàn thành phố.

Về việc vừa qua Hà Nội phát hiện ổ dịch tại "vùng xanh" Long Biên, ông Trần Đắc Phu cho rằng, đó là điều nằm trong dự báo vì không thể ngày một ngày hai đưa Hà Nội về trạng thái "sạch bóng F0". Điều lạc quan là chỉ còn số ít các ổ dịch trên địa bàn ở phạm vi hẹp, được kiểm soát và đặc biệt là tỉ lệ người dân được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cao.

Theo ông Trần Đắc Phu, với tình hình dịch bệnh có diễn biến như hiện tại, Hà Nội hoàn toàn có căn cứ để dừng giãn cách xã hội toàn thành phố, nới lỏng hơn các hoạt động, dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội.


Hà Nội duy trì 23 chốt kiểm soát, hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 trong tháng 11

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định, kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc nới lỏng các biện pháp giãn cách chống dịch phải đi kèm với việc kiểm soát chặt chẽ nguy cơ.

Ông Dương Đức Tuấn đề nghị các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9 theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR để quản lý điểm đi - đến của người dân, từ đó phục vụ cho công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh.


Người dân lơ là phòng dịch, Hà Nội làm gì để nới lỏng giãn cách mà vẫn an toàn? - Ảnh 3.

Hà Nội dự kiến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ hoàn thành trong tháng 11/2021. Nguồn: TTXVN

Nhằm duy trì việc kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh/thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào thành phố.

Song song với việc kiểm soát chặt chẽ nguy cơ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2021.


Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 18h00 ngày 19/9/2021, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố Hà Nội, tổng số mũi tiêm thực hiện được là 5.671.478 mũi, đạt 94,2% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và chiếm 67,9% tổng dân số.

Qua chiến dịch thần tốc vừa qua, thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm xuống còn 10%. Hiện thành phố đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ.

Từ 24/7 đến nay, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình ghi nhận 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày; đến ngày 19/9, còn khoảng dưới 15 ca/ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn