Nhiều người mẹ trầm cảm, tâm thần sau khi con bị xâm hại

07:11 | 06/11/2018;
Đó là lời kể của TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, về một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em, trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, bà đã chứng kiến.

Theo thống kê của ngành Tòa án, năm 2016 ngành này thụ lý 1.564 vụ án xâm hại tình dục trẻ em với 1.656 bị cáo. Đã có 1.437 vụ được đưa ra xét xử với 1.520 bị cáo. 121 vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Năm 2017 tòa án các cấp thụ lý 1.326 vụ với 1.387 bị cáo, 1.206 vụ án với 1.252 bị cáo được đưa ra xét xử. 110 vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Bà Trâm chia sẻ, trong thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng đã rất nỗ lực trong việc xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bằng chứng là việc tuyệt đại đa số các vụ án được đưa ra xét xử, 80 đến 85% bị cáo bị tuyên mức án tù giam.

Tuy nhiên chính những vụ việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, việc điều tra, xét xử kéo dài, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất với nhau đã khiến cho người nhà nạn nhân, dư luận xã hội bức xúc. 

1x.JPG
TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TAND Tối cao 

 

Cũng theo quan điểm của bà Trâm, đặc thù các vụ án này, cùng với việc thời gian kéo dài, những dấu vết, chứng cứ của vụ án thường khó thu thập, lời khai của nạn nhân, người làm chứng cũng bị thay đổi qua nhiều lần phải khai báo lại.

Một nguyên nhân lớn nữa cần khắc phục, theo bà Trâm là đối với những vụ án này quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan bảo vệ phụ nữ trẻ em cũng không thống nhất với nhau, cá biệt một số trường hợp còn mâu thuẫn với nhau.

2x.JPG
Diễn tập công tác tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm 

 

Bà Trâm chia sẻ: “Theo quy định của pháp luật có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng nếu các cơ quan này không có sự phối hợp thì vụ việc rất khó được giải quyết một cách nhanh chóng hiệu quả.” Đơn cử một vụ hiếp dâm trẻ em, mỗi cơ quan đến hỗ trợ là một lần nạn nhân lại phải tường thuật lại câu chuyện. Thực tế không ít trường hợp mỗi lần cơ quan chức năng mời, mẹ của bé gái vì mong muốn đòi công lý cho con chấp nhận đến để trình bày nhưng bé gái thì một mực từ chối không muốn đi vì bản thân bé đã phải nhiều lần kể lại câu chuyện đau đớn của mình. Có những vụ việc, khi xảy ra cháu còn là học sinh cấp 2, tuy nhiên vụ việc kéo dài đến khi cháu đã lên cấp ba thậm chí đã lớn đã có bạn trai nhưng vẫn phải kể đi kể lại một câu chuyện đau buồn cũ.

Trong tất cả các trường hợp, những người mẹ đều suy sụp, đau đớn. Với những vụ án kéo dài, trong suốt thời gian dài không đòi được công lý cho con mình, có những bà mẹ đã có dấu hiệu trầm cảm thậm chí phát bệnh tâm thần. 

Theo bà Trâm, các cơ quan bảo vệ phụ nữ trẻ em cũng như chính các cơ quan tiến hành tố tụng cần có sự phối hợp mới mong bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ trẻ em, đặc biệt là trong những vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

me.jpg
Chị Hoàng Thị T. (trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với lá đơn tố cáo ông Trần Xuân L. đã xâm hại con gái chị

 

Trong một số trường hợp, các cơ quan cần họp mặt nhau trong một hội nghị vụ việc thống nhất về phương hướng, phân công nhiệm vụ nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân. Việc đơn giản nhất mà hội nghị này có thể làm được là thống nhất để nạn nhân chỉ phải kể lại vụ việc một lần, sau đó có thể ghi thành văn bản sao thành nhiều bản hoặc ghi âm sao thành nhiều file. Mỗi cơ quan đều có thể sử dụng bản sao đó trong quá trình hỗ trợ nạn nhân...

Bà Trâm rất hoan nghênh sáng kiến của TƯ Hội LHPN VN qua việc thành lập Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý. Từ khi thành lập (tháng 5/2018) tổ đã hoạt động hiệu quả qua việc tham gia tư vấn hỗ trợ cho các nạn nhân trong những vụ án phức tạp được dư luận quan tâm. 

Ngày 5/11/2018, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPNVN đã tổ chức Hội nghị tập huấn giới, lồng ghép giới cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ Hội LHPNVN. Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Bùi Thị Hòa chủ trì Hội nghị.

Giảng viên của hội nghị tập huấn đến từ Cơ quan của Liên hợp quốc về Phụ nữ và bình đẳng giới (UN Women), Tòa án Nhân dân Tối cao, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Ở trung ương, các đại biểu dự tập huấn đến từ Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện KSNT Tối cao, Viện KSND cấp cao, Tòa án Nhân dân cấp cao, đại diện các ban đơn bị trực thuộc TƯ Hội. Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện Hội LHPN, Công an, TAND, VKSND, Sở Tư pháp, Hội thẩm Nhân dân của 10 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Tại Hội nghị, các giảng viên đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống mua bán người, kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em... 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn