Gánh nặng kinh tế vì nợ học phí
Joy và chồng vừa mới chào đón một cháu gái. Sự xuất hiện của đứa trẻ, do chị dâu 33 tuổi của họ sinh ra, nhắc nhở hai vợ chồng Joy rằng họ muốn có con đến nhường nào. Hai người đã gặp nhau ở trường đại học và hiện tại sống ở phía đông Michigan. Họ luôn hy vọng sẽ có hai hoặc ba đứa con.
“Con bé thật dễ thương”, Joy nhắc về cháu gái mới sinh của mình. Niềm vui dâng trào, Joy thổ lộ: “Bây giờ tôi thực sự muốn có một đứa con”. Nhưng một rào cản lớn đứng giữa họ và gia đình họ mơ ước: khoản vay học phí lên đến 60.000 đô la. Với khoản thanh toán khoản vay hàng tháng tối thiểu là 800 đô la, họ không có cách nào để có đủ khả năng chi trả cho chi phí sinh nở, chứ đừng nói đến chi phí chăm sóc con cái nhiều năm sau đó. “Về mặt tài chính, việc này không khả thi”, cô nói.
Joy, 26 tuổi, người đã yêu cầu chỉ dùng tên vì lý do riêng tư, đã lên kế hoạch về tài chính cho việc học tập tỉ mỉ để đảm bảo không phải gánh quá nhiều nợ nần sau khi tốt nghiệp. Cô và gia đình đã tiết kiệm được 24.000 đô la. Nhưng các khoản phí ẩn và 30 tín chỉ cần phải học thêm để trở thành kế toán viên công đã cản trở kế hoạch ban đầu của Joy. Tổng cộng, cô và chồng nợ 74.000 đô sau khi tốt nghiệp, trong đó hơn một nửa là của cô ấy.
Khoảng 2/3 số người có bằng đại học ở độ tuổi cuối 30 đã vay tiền để đi học. Trung bình, Gen Y ở Mỹ đang mắc nợ hơn 40.000 đô la. Sinh viên đến từ các gia đình da đen và La tinh thậm chí còn có nhiều khả năng phải đi vay tiền để học đại học hơn do khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc đã có từ lâu. Gánh nặng nợ ăn vào chi tiêu của người đi vay với các mặt hàng như thức ăn, du lịch và hàng tiêu dùng. Nghĩa vụ trả nợ cũng buộc người vay phải hoãn các giao dịch mua lớn hơn, chẳng hạn như ngôi nhà đầu tiên. Các khoản vay học phí cũng đang thay đổi cuộc sống của mọi người từ những điều nhỏ hơn, bằng cách cản trở khả năng hẹn hò, kết hôn và sinh con của họ.
Millennials hay Gen Y (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1981-1996) đang chờ đợi lâu hơn để có con. Nhiều người trẻ tuổi đang gánh khoản nợ học phí đáng kể không cho rằng con cái là một sự lựa chọn, chừng nào nợ nần còn đeo bám họ, bòn rút tiền từ các chi phí chăm sóc trẻ em và khiến cho ngay cả những người có thu nhập trên trung bình cũng cảm thấy bấp bênh đến không thể lên kế hoạch cho tương lai.
Tỷ lệ sinh giảm
Một nghiên cứu năm 2015 ước tính rằng, những phụ nữ có khoản nợ học phí 60.000 đô có khả năng sinh con thấp hơn 42% so với những người không mắc nợ, sau khi kiểm soát các yếu tố như trình độ học vấn, tầng lớp và các chỉ số nhân khẩu học. Theo Hiệp hội Phụ nữ Đại học Hoa Kỳ, phụ nữ chiếm 2/3 khoản nợ học phí.
Nhà xã hội học Arielle Kuperberg, 40 tuổi, đã bắt đầu nghiên cứu về việc khoản nợ học phí định hình quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành của những người trẻ tuổi như thế nào. Cô nhận thấy gánh nặng nợ nần chồng chất đã buộc bạn bè của cô phải đưa ra những lựa chọn khó khăn như thế nào trong cuộc sống cá nhân của họ. Một người chọn sống ở tầng hầm của mẹ mình sau khi học đại học để tiết kiệm tiền thuê nhà và trả nợ, điều này khiến anh ta khó hẹn hò trong suốt tuổi đôi mươi và ba mươi. Một người bạn khác với khoản nợ vay sinh viên hơn 100.000 đô la muốn có một đứa con, nhưng không nghĩ rằng cô ấy có đủ khả năng.
Sự do dự của người gánh nợ nần trong việc sinh con đang góp phần làm giảm tỷ lệ sinh ở Mỹ, nơi tỷ lệ sinh đã chạm mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ. Tỷ lệ sinh giảm có thể gây ra dân số già, lực lượng lao động và cơ sở thuế nhỏ hơn, và nguy cơ quỹ lương hưu không được tài trợ. Theo nghĩa đó, gánh nặng nợ nần của sinh viên không chỉ làm tiêu tan ước mơ sinh con của một số bậc cha mẹ đầy hy vọng mà còn là một cú sốc kinh tế vĩ mô có thể được cảm nhận qua nhiều thế hệ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn