Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc dùng bột hoặc ép nước cỏ lúa mì uống sẽ giúp đẹp da, giảm cân, hồi phục tốt sức khỏe cho người đang điều trị ung thư, tốt cho tiêu hóa và tim mạch. Trước những lời giới thiệu về những công dụng thần kỳ của loại cỏ này, nhiều người đã mua bột cỏ lúa mì, cỏ lúa mì tươi về pha nước hoặc ép lấy nước sử dụng. Một số người còn đặt mua hạt giống về tự gieo trồng vì cho rằng như vậy vừa tiết kiếm, vừa đảm bảo về chất lượng.
Trước những thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, cỏ lúa mì hay còn gọi là mầm mạch nha, nếu được gieo trồng, sử dụng đúng cách, đảm bảo vệ sinh thì có tác dụng nhất định với sức khỏe. Bởi trong mầm mạch nha có các enzym chuyển hóa tinh bột thành đường giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng. Đồng thời cũng có nhiều chất dinh dưỡng như protid, lipid, vitamin B1 và E…
Tuy nhiên, PGS Thịnh cũng khuyến cáo hiện không có nghiên cứu nào khẳng định loại cỏ này giúp phòng và điều trị ung thư, đồng thời cơ chế giải độc cũng không rõ ràng. Do vậy, mọi người cần lưu ý khi sử dụng, tốt nhất chỉ nên dùng như một loại nước uống bình thường, không nên thần thánh hóa tác dụng của loại cỏ này.
Việc dùng nước ép hay bột lúa mì để uống cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên chỉ nghe lời đồn thổi. Ảnh minh họa.
Đồng quan điểm trên, Ths.Lương y Vũ Quốc Trung (Văn Giang, Hưng Yên) cho rằng, cỏ lúa mì hay gọi là cỏ mạch có vị ngọt, tính bình, giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ điều trị ung thư thì chưa có căn cứ. Khi sử dụng cũng không nên dùng nhiều, liên tục sẽ gây tác dụng ngược cho hệ tiêu hóa, dễ thấy nhất là bị rối loạn tiêu hóa.
Dưới góc nhìn dinh dưỡng, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, cỏ lúa mì có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể, một số tài liệu cũng cho rằng, loại cỏ này giúp cản thiện làn da, cải thiện rối loạn đường máu, cải thiện tiêu hoá và giảm cholesterol…
Cụ thể trong 100g cỏ lúa mì chứa các thành phần dinh dưỡng: Vitamin B2 - 0,156 mg; Vitamin C - 2,5 mg; Natri - 15 mg; Phốt pho - 201 mg; Sắt - 2,15 mg; Chất xơ - 1g; Chất béo - 1,25g; Năng lượng - 200 kilocalo; Vitamin B6 - 0,266 mg; Vitamin B1 - 0,224 mg; Kẽm - 1,66 mg; Kali - 170 mg; Magie - 81 mg; Canxi - 30 mg; Tinh bột - 43g; Protein - 7,5g; Nước - 48g.
Cỏ lúa mì được trồng trong môi trường ẩm ướt nên dễ nhiễm nấm và vi khuẩn có hại. Ảnh minh họa.
Dù cỏ lúa mì có nhiều tác dụng và chất dinh dưỡng, nhưng bác sĩ Hưng khẳng định hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh cỏ lúa mì hỗ trợ hiệu quả cho bất kỳ loại bệnh cụ thể nào. Do vậy, mọi người nên thận trọng khi sử dụng, nhất là phụ nữ mang thai.
“Cỏ lúa mì phát triển trong điều kiện ẩm ướt, do đó nó có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc. Nếu ăn phải cỏ lúa mì sống có chứa các loại vi khuẩn này, bạn có thể bị đau đầu, buồn nôn. Những phụ nữ bị dị ứng với gluten hoặc celiac sẽ có nguy cơ mắc phải các triệu chứng này cao hơn.
Các chất chống oxy hóa mạnh có trong cỏ lúa mì có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố nhưng nó cũng có thể tác động trực tiếp đến thai nhi, gây dị tật bẩm sinh hoặc thậm chí sẩy thai.
Thậm chí sử dụng quá nhiều cỏ lúa mì có thể dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa. Điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng giữa các chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ”, bác sĩ Hưng cảnh báo.
Bác sĩ Hưng cho rằng, với những người chưa từng uống nước ép cỏ lúa mì thì không nên thử, đặc biệt là chị em đang mang thai. Nếu đã dùng rồi thì ở giai đoạn bầu bí, chị em cũng không nên sử dụng nước ép cỏ lúa mì tươi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn