Câu chuyện “nghỉ việc - nhảy việc” luôn là vấn đề đau đầu của nhiều người trẻ và cả những nhà tuyển dụng. Đôi khi, bạn lựa chọn nghỉ việc là do tự nguyện, để dành thời gian giúp bản thân hoặc muốn nhảy việc vì thấy không còn phù hợp nữa. Nhưng ở giữa giai đoạn nghỉ việc - tìm việc mới, là những chuỗi ngày tạm gọi là “thất nghiệp”, hẳn là trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Có nhiều trường hợp, thời gian nghỉ việc ban đầu rất thoải mái, không bị sếp hay công việc “dí”. Nhưng mà thời gian kéo dài lâu, bắt đầu cảm thấy áp lực, lại lao vào vòng quay xin việc - thử việc - làm việc rồi lại nghỉ việc.
Vậy những người từng trải qua tất cả cảm xúc đó, họ đã nghĩ gì và làm gì để vượt qua thời gian này. Cùng lắng nghe câu chuyện của 2 nhân vật Đỗ Ngọc Như Ý (21 tuổi, TPHCM), hiện tại đang làm công việc tự do và Quỳnh Anh (27 tuổi, Hà Nội), hiện tại đang làm tại công ty truyền thông.
Cả Như Ý và Quỳnh Anh đều cho biết, 2 bạn đã trải qua những ngày tháng “không làm gì”.
Như Ý (21 tuổi, TPHCM) chia sẻ câu chuyện của mình:
“Mình đã từng nhảy việc rất nhiều lần. Trong khoảng thời gian không có công việc toàn thời gian chính thức, mình đã áp lực rất nhiều: Nghĩ về những điểm yếu của chính mình, áp lực đồng trang lứa khi nhìn các bạn khởi nghiệp thành công và tự lo được cho bản thân, đôi lúc mất phương hướng vì không tìm được công việc tiếp theo phù hợp,...
Khoảng thời gian tồi tệ nhất với mình, có lẽ là dành khoảng 1 tháng để nghỉ xả hơi. Cứ nghĩ đó là thời gian tuyệt vời nhất, nhưng không phải vậy. Mấy ngày đầu sau khi nghỉ việc rất vui, thoải mái vì không có nhiệm vụ gì, tận hưởng cuộc sống không công việc đúng nghĩa. Nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau đó, mình chán chường, chán với sự tẻ nhạt chỉ ăn và chơi này. Nhưng nghĩ đến việc đi làm thì lại lười, thế là bấm bụng hỏi nghỉ thêm 1 tuần nữa rồi đi làm.
Lại bắt đầu hành trình mới! Mình sửa lại hồ sơ và bắt đầu nộp vào một số công ty có khả năng nhận mình. Cứ nghĩ cuộc sống màu hồng (vì trước đó mình được nhận khá dễ), nhưng lần này giống như 1 cú tát giúp mình tỉnh ngộ. Mình nộp liên tiếp 4-5 công ty, được gọi đi phỏng vấn 2 nơi. Đi thử việc ở 1 công ty nhưng gặp đúng môi trường độc hại. Lại xin nghỉ. Rồi cứ thế, chuỗi ngày tìm việc, nộp hồ sơ, đi phỏng vấn, thử việc rồi lại nghỉ, nó xoay quanh mình tận 3 lần chỉ trong 1 tháng. Bao nhiêu tiêu cực dồn hết vào người khi đó: Nào là áp lực tài chính, thất vọng về bản thân, nghi ngờ cuộc đời có phải đang đánh ngã mình không,...
Nhìn lại vòng quay đó, mình chợt nhận ra có lẽ đã quá vội vã, và bội thực bởi “thông tin thành công” ngoài kia, để không kịp nhìn lại chính mình. Cứ trôi qua như thế đâu có ổn. Mình bắt đầu bình tĩnh lại, suy nghĩ tích cực hơn, trở về nhà cùng gia đình để được động viên. Mình tìm đến sách, đến thiền, và học cách vẽ ra mục tiêu của bản thân rõ ràng nhất.
Khi có định hướng rồi, mình chọn lọc lại những công ty mới, tìm hiểu kỹ trước khi phỏng vấn, đưa ra các điểm mạnh của bản thân và xốc lại tinh thần làm việc. Hiện tại, vượt qua được khoảng thời gian đó, mình đã có 1 công việc phù hợp với năng lực của mình. Vẫn còn lo lắng, nhiều sự bất an, nhưng hơn hết, ở môi trường mới mình được giúp đỡ rất nhiều từ đồng nghiệp, tìm lại được sự vui vẻ khi đi làm.”
Quỳnh Anh (27 tuổi, Hà Nội) cũng đã có những cảm xúc tiêu cực trong khoảng thời gian chuyển giao giữa việc cũ và mới:
“Mình khá may mắn trong cuộc sống, công việc hầu như được người quen giới thiệu. Gặp mặt trao đổi, nếu ổn là đi làm, không cần nộp hồ sơ, phỏng vấn, chờ kết quả như bao người. Mình cũng từng nhảy việc khá nhiều lần, mỗi lần với 1 lý do khác nhau. Khoảng thời gian chuyển giao giữa công việc cũ - mới, mình dành thời gian để thư giãn, đi du lịch, suy nghĩ và tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn. Có thể nói là mình “chủ động thất nghiệp”.
Nhưng đã nhắc đến thất nghiệp, thì làm gì có câu chuyện nào vui vẻ 100%. Trong thời điểm dịch Covid-19 năm ngoái, ban lãnh đạo công ty có sự điều chỉnh nhân sự, nhân viên phải nghỉ việc khá gấp gáp, mình mất việc và ở nhà tận 3-4 tháng.
Nếu như những lần chuyển giao trước chỉ kéo dài nhiều nhất là 2 tháng, mình vẫn khá thong dong. Thì lần này khác. Sau tháng đầu cảm thấy thoải mái, vẫn đọc sách, tự tập luyện, tìm kiếm niềm vui. Thì sang tháng thứ 3, mình bắt đầu có dấu hiệu áp lực, tinh thần xuống dốc, không ra ngoài. Lướt mạng xã hội thì bạn bè làm việc từ xa bình thường, điều này khiến mình suy nghĩ nhiều, hoang mang, u uất. Khi không làm gì trong thời gian dài, tiền tiết kiệm cũng giảm dần khiến mình lo lắng hơn. Một mình ở Hà Nội xa nhà, tiêu cực, sợ mất những cơ hội việc làm, sợ quá tuổi để cạnh tranh cùng người trẻ hơn,... Mình tự đặt ra những câu hỏi và không tự trả lời được: 3 năm nữa mình là ai? 5 năm nữa mình có những gì?
May mắn là mình có những người bạn, anh chị em thân thiết động viên, chia sẻ cùng mình giai đoạn đó. Mình cũng từng bước cân bằng lại.
Khi đang loay hoay chưa biết làm gì tiếp, thì người quen giới thiệu mình vào 1 doanh nghiệp du lịch, đây có lẽ là công việc sát nhất với sở thích, đam mê xê dịch của mình. Công ty mới rất trẻ trung, năng động và sáng tạo, khiến 1 đứa tự ti như mình bắt đầu lấy lại được cảm hứng làm việc. Được trải nghiệm nhiều cơ hội mới khiến mình rất hạnh phúc.
Có rất nhiều lý do để 1 người nghỉ việc, điều quan trọng là mình phải nhìn ra gốc rễ vấn đề. Mình biết nhiều người hay nghỉ việc theo kiểu hơi “xốc nổi” hoặc “cảm xúc nhất thời”. Khi mình suy xét kỹ rồi, mình quyết định nghỉ, không còn gì luyến tiếc vì mình đã dám theo đuổi theo đam mê. Nhưng cũng nhận ra rằng: đam mê không chưa đủ.
Khó khăn nhất mỗi lần chuyển việc, có lẽ đó là “sự thay đổi”. Nhiều định nghĩa mới mẻ, nhịp làm việc nhanh, trách nhiệm đòi hỏi cao và chủ động hơn. Sự háo hức dần thay bằng sự choáng ngợp, lo sợ và đôi lần bật khóc. Khi lựa chọn không an nhàn bạn buộc phải chấp nhận những thử thách, khó khăn này. Sau 1 thời gian nỗ lực, ăn phạt, lĩnh hội, mình bắt đầu hòa nhịp được với môi trường mới.
“Tại sao thị trường nhiều lao động trẻ, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tìm được người phù hợp?”
Không chỉ những người trẻ băn khoăn về thời gian chuyển giao giữa công việc cũ - mới, tìm cách thoát khỏi vòng quay nghỉ việc - xin việc. Mà những quản lý hoặc người làm nhân sự cũng đau đầu về vấn đề này.
Khi được hỏi về lý do “Tại sao thị trường nhiều lao động trẻ, nhưng vẫn khó tìm được người phù hợp?”, chị Thu Trà (Đà Lạt), phụ trách nhân sự mảng truyền thông cho hay: “Nếu như trước đây, việc 1 công ty tìm kiếm nhân sự phù hợp là vấn đề nan giải. Thì ngày nay, ngược lại, người trẻ tự tìm kiếm cho mình một môi trường phù hợp lại càng khó hơn. Đúng như vấn đề các bạn hiểu, cán cân nhân sự bây giờ đặt ở chính giữa, không còn nghiêng về bất cứ bên nào. Nhân sự trẻ bây giờ họ quá giỏi, nắm bắt thị trường lao động tốt, vì thế họ có quyền lựa chọn công ty hơn cả. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho người trẻ nhảy việc nhiều hơn, vì họ có cơ hội.
Theo tôi quan sát, 3 năm trở lại đây, nhân sự có nhu cầu tìm kiếm không chỉ về mức lương, mà còn là môi trường phù hợp, chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển và đặc biệt là “đam mê”. Họ không dễ thỏa hiệp chỉ với mức lương cao hay môi trường tốt. Nếu công ty có tỷ lệ nhân viên nhảy việc cao, thì cần xem xét lại cách thức quản lý. Còn nếu tỷ lệ nhảy việc thấp, thì có thể là chưa tìm được người phù hợp. Vậy thì tiếp tục tìm kiếm thôi!”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn