Là sinh viên năm thứ 3, Nguyễn Quỳnh Phương (ở Hải Dương) xin làm việc bán thời gian ở một công ty tư vấn du học và xuất khẩu lao động. Trước đây, Phương chỉ làm những việc đơn giản như nhân viên phục vụ quán cà phê, nhân viên cửa hàng pizza.
Những công việc "tay chân" ấy giúp cô kiếm tiền trang trải cuộc sống hiện tại nhưng không cho cô nhiều kiến thức, kỹ năng cho công việc sau này. Phương khá hào hứng với công việc mới và hy vọng sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm làm việc.
Cứ tưởng Phương sẽ trân trọng và nghiêm túc với công việc mới này nhưng chưa làm việc được bao lâu, Phương đã khiến cả công ty "ngã ngửa" vì thói vô tổ chức của cô. Chẳng là Phương được giao cầm chìa khóa để mở cửa văn phòng công ty. Một hôm, Phương cho gần chục nhân viên công ty chờ mỏi cổ ngoài cửa vì cô còn đang bận đưa em họ đi khám bệnh.
Mọi người trong công ty biết lý do thì chỉ còn biết lắc đầu vì sự vô tổ chức của Phương. Ngay lập tức, Phương bị cho nghỉ việc. Thế nhưng, cô vẫn thấy oan vì "đây là lần vi phạm lần đầu, vì chưa nắm rõ nội quy của công ty".
Khó chịu với các quy định của công ty, mà theo Đoàn Minh Loan (Hà Nội) là rất cứng nhắc, nên cô xin nghỉ việc sau khi làm được 2 tháng. Minh Loan cho biết, nếu cô không xin nghỉ việc thì số tiền nộp phạt do cô vi phạm nội quy cũng gần bằng tiền lương.
Công ty của cô có những quy định khá khắt khe: Phạt 100.000 đồng nếu đi làm muộn 5 phút, phạt 500.000 đồng nếu không tham gia các hoạt động ngoài giờ của công ty, phạt 3 triệu đồng nếu không đi nghỉ mát cùng công ty…
Minh Loan cho rằng, đây là những quy định không phù hợp. "Tôi không thích tham gia các hoạt động ngoài giờ vì tôi không có hứng thú, vì tôi bận, vì tôi không thích tương tác với đồng nghiệp…
Quan điểm của tôi là chỉ cần tôi làm tốt, tôi hoàn thành công việc được giao, còn những việc khác tôi có tham gia hay không là quyền của tôi. Tôi cảm thấy mình không thích ứng được với văn hóa công ty đó", Minh Loan chia sẻ.
Cô cho biết, thu nhập của công ty đó khá cao nhưng với người trẻ như cô, sự tự do, thoải mái, không bị gò bó còn quan trọng hơn thu nhập.
Khảo sát hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp năm 2023 của hãng tuyển dụng và nhân sự toàn cầu Resume Builder cho thấy, gần 3/4 nhà quản lý nhận thấy "gen Z" là những người khó cộng tác nhất.
49% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thường xuyên cảm thấy thất vọng trong quá trình làm việc cùng thế hệ này. 65% người tham gia khảo sát thừa nhận đuổi việc nhân viên "gen Z" nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 12% người lao động "gen Z" bị sa thải trong chưa đầy một tuần nhận việc, 27% trong một tháng.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), để có sự nghiệp bền vững, ngoài kiến thức, kỹ năng, "gen Z" nên trau dồi cả phẩm chất và thái độ làm việc. Họ cần lập kế hoạch để rèn tính kỷ luật bản thân, học cách quản lý, tổ chức công việc, học cách thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người khác.
Thay vì "nhảy việc" liên tục, người trẻ nên kiên nhẫn để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nếu gặp nhiều mâu thuẫn giữa kỳ vọng của bản thân với thực tế công ty, họ có thể thẳng thắn chia sẻ với lãnh đạo công ty.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn