“Hội nghị trao đổi giữa lãnh đạo các cơ sở, ngành, đoàn thể tỉnh với hội viên phụ nữ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2019”, do Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức diễn ra vào ngày 29/3, thu hút hơn 100 hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tham gia.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng nhau trao đổi một số nội dung thiết thực cho vấn đề khởi nghiệp như: Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; thủ tục đăng ký kinh doanh; triển khai quy định giá thuê cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương; trao đổi về các hoạt động về sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng...
Hội nghị còn giới thiệu một số nguồn vốn vay như: Nguồn quỹ môi trường, quỹ hỗ trợ phát triển kinh doanh hợp tác xã, quỹ hỗ trợ nông dân, vốn giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các nguồn quỹ như Quỹ Bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường. Bà Đinh Sao Mai, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Quỹ bảo vệ môi trường là một tổ chức tài chính nhà nước do UBND tỉnh Bình Dương thành lập vào năm 2009. Qua 10 năm thành lập, Quỹ đã hỗ trợ cho 74 dự án của doanh nghiệp với số tiền là 300 tỷ đồng. Vốn hoạt động của Quỹ hiện tại là 177 tỷ đồng. Đối tượng được vay là mọi pháp nhân, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương có: Dự án đầu tư xử lý nước thải, rác thải, chất rắn thải; dự án sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường; dự án đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thông thường; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để thu gom nước thải.
Chính sách khuyến công của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Phát triển Công nghiệp, Sở Công Thương, tỉnh Bình Dương cũng là kênh hỗ trợ vốn cho các chị em làm về lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể nguồn vốn vay cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất với mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ xây dựng mô hình tiên tiến kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới với mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình; chi phí hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp với mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp…
Tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Vai trò của tổ chức Hội là giúp cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế, tìm đầu ra sản phẩm. Thành lập nhiều doanh nghiệp nữ trên địa bàn là việc làm khó khăn vì trước nay chỉ làm công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, bây giờ Hội cần giúp cho chị em phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, phải xác định kết quả đầu ra bao nhiêu doanh nghiệp nữ trên địa bàn trong giai đoạn này để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và tận dụng tốt nguồn vốn vay từ các nguồn Quỹ của địa phương. “Bình Dương có nhiều thuận lợi, nhiều điều kiện, có nhiều nguồn Quỹ, chúng ta nên làm cầu nối giúp các chị em phụ nữ cùng phát triển. Hội LHPN cần làm tốt vai trò kết nối để chị em nắm bắt được chính sách, giúp chị em tiếp cận được nguồn vốn phát triển, kết nối để trang bị kiến thức ở các lĩnh vực kinh doanh… Các chị em có ý tưởng khởi nghiệp rất cần sự đồng hành của các tổ chức xã hội”.