Theo Sở Y tế TPHCM, do đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế thường phải đối mặt với áp lực công việc, dẫn đến kiệt quệ về thể chất và tinh thần do quá tải công việc. Một khảo sát do Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) thực hiện trên hơn 460 nhân viên y tế vào cuối năm 2021 cho thấy, có 23,6% người được hỏi có biểu hiện trầm cảm, 42,9% thấy lo âu và 17,6% bị stress.
Áp lực trong công việc cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến một số trường hợp nhân viên y tế nghỉ việc. Điển hình là trường hợp của chị B., một điều dưỡng tại Bệnh viện Hùng Vương, đã quyết định nghỉ việc sau một thời gian dài bị trầm cảm vì áp lực công việc cùng với những biến cố trong cuộc sống cá nhân.
Lúc đầu chỉ là những lo âu, căng thẳng, dần dần bệnh của chị chuyển nặng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, bệnh viện liên tiếp điều trị cho những ca bệnh nặng.
"Khi đó, bản thân chị ý thức được căn bệnh của mình, cũng chủ động chia sẻ nhưng bệnh trầm cảm của chị đã nặng. Bệnh viện không có chuyên khoa về tâm lý nên giới thiệu chị đến các bác sĩ có chuyên môn. Nhưng cuối cùng, chị vẫn quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó hơn 20 năm để về nhà bán trà sữa", TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ.
Tương tự, chị H. (đề nghị được giấu tên) cũng quyết định nghỉ công việc điều dưỡng sau nhiều năm gắn bó với nghề. Lý do nghỉ việc của chị H. là vì quá nhiều áp lực trong công việc, trong khi mức lương thấp.
Ban giám đốc bệnh viện đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ tinh thần cho nhân viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhân viên y tế chưa cởi mở với các vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân, không quan tâm đến thực hành giảm stress cho chính mình. Chỉ khi nhân viên y tế thực sự khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần thì họ mới có thể chăm sóc tốt cho người bệnh, đạt hiệu quả cao nhất trong công việc”.
TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương
"Do làm việc ở khoa cấp cứu nên khối lượng công việc của tôi rất nhiều. Có những lúc gặp các ca bệnh liên quan đến tai nạn, ẩu đả, say xỉn thì cả bệnh nhân và người nhà đều không giữ được bình tĩnh, nạt nộ nhân viên y tế. Tôi thấy rất áp lực", chị H. nhớ lại.
TS.BS Phạm Phương Thảo, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), cho biết, vấn đề sức khỏe tâm thần nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì dễ dẫn đến suy sụp, khó có thể vực dậy được.
Khó khăn hiện nay chính là bản thân một số nhân viên y tế không ý thức được vấn đề sức khoẻ tâm thần của mình. Họ ngại đến gặp các chuyên gia tâm lý vì sợ bị đồng nghiệp đánh giá, kỳ thị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, nhận thức về sức khỏe tâm thần của người dân cũng như nhân viên y tế hiện nay còn chưa rõ ràng.
Có một thực trạng là chính nhân viên y tế không chấp nhận bản thân đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần và những người xung quanh cũng không xem vấn đề tâm thần của đồng nghiệp là vấn đề quan trọng.
"Nhân viên y tế có những áp lực trong công việc. Nếu không có những giải pháp để ngăn ngừa và điều trị một cách hiệu quả thì sẽ dẫn đến hội chứng kiệt sức và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế là một việc hết sức quan trọng, bởi điều này ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế cho người bệnh", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn