Nhiều nữ giáo viên kêu cứu vì trường không đóng bảo hiểm

10:39 | 03/11/2016;
Nhiều giáo viên của trường Mầm non Việt Mỹ Úc, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thuộc Công ty CP Đào tạo Quốc tế Việt Mỹ Úc đang kêu trời vì gần 1 năm qua nhà trường không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Việc này khiến cho các giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi khám chữa bệnh, thai sản.

Trừ tiền người lao động nhưng không đóng

Cô N.N.T là giáo viên tại trường Mầm non Việt Mỹ Úc – chi nhánh Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, từ tháng 1/2016 không có thẻ BHYT để đi khám bệnh. Cô cũng phát hiện bản thân không được nhà  trường đóng BHXH từ tháng 1/2016 trong khi hàng tháng vẫn bị nhà trường trừ hơn 400.000 đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN. Bản thân cô T. đã công tác tại trường 3 năm và đã ký hợp đồng không xác định thời hạn.

“Nhà trường phải giải quyết các loại bảo hiểm cho người lao động, và nếu chốt sổ BHXH thì phải chốt cho đến thời điểm hiện nay để người lao động còn yên tâm công tác”, cô T. cho hay.

Trong khi đó, cô T.T.N, từ đầu năm 2016 đến nay, nhà trường cũng không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cô trong khi hàng tháng vẫn trừ hơn 350.000 đồng tiền bảo hiểm các loại trên tổng số tiền lương.
my-uc-binh-thanh-1.jpg
Trường mầm non Việt Mỹ Úc - chi nhánh Bình Thạnh, TP.HCM 
Chính vì không có thẻ BHYT nên mới đây, khi sinh con đầu lòng cô T.N phải tự thanh toán tiền viện phí 100%. “Trước khi sinh con, tôi có lên yêu cầu nhà trường giải quyết nhưng không được. Sau khi sinh, tôi có lấy hóa đơn viện phí cho nhà trường để họ giải quyết như đã hứa nhưng đã hơn 2 tháng trôi qua vẫn chưa có hồi âm gì”, cô N. cho hay. Bản thân cô N. đã làm việc tại trường 5 năm nay và đã ký hợp đồng không xác định thời gian với nhà trường.

Nhiều giáo viên khác cũng cho biết, việc làm của nhà trường là vi phạm pháp luật, không bảo đảm được quyền lợi cho người lao động. Hơn nữa, khi liên hệ với lãnh đạo nhà trường để phản ánh, làm việc thì không được.

Vi phạm luật mà vẫn bảo rằng "chăm lo tốt"!

Bà Lê Thị Thu Ba – Hiệu trưởng trường Mầm non Quốc tế Việt Mỹ Úc thừa nhận, từ tháng 1/2016 đến nay, phía công ty không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhưng hàng tháng vẫn trừ các khoản tiền này vào lương người lao động. Theo bà Thu Ba, việc không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người động trong thời gian qua là do công ty đang gặp khó khăn. Số tiền trừ các loại bảo hiểm hàng tháng “không được sử dụng cho bất cứ mục đích của cá nhân nào mà được sử dụng để duy trì hoạt động của công ty, chi trả tiền lương cho người lao động hàng tháng”.

Theo tìm hiểu, việc nợ BHXH, BHYT, BHTN không chỉ xảy ra đối với người lao động tại công ty CP Đào tạo Quốc tế Việt Mỹ Úc (P8,Q.11) mà còn xảy ra tại trường Mầm non dân lập Quốc tế Mỹ Úc (P8, Q.11). Cả 2 nơi này do do bà Lê Thị Thu Ba đứng tên đại diện pháp luật.

Theo Bảo hiểm xã hội Q.11, TP.HCM, 2 đơn vị này đã để tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 1/2016 đến nay. BHYT Q.11 đã nhiều lần thông báo nhắc nợ nhưng đơn vị vẫn chưa khắc phục. Tính đến nay, tổng số tiền  BHXH, BHYT, BHTN của 2 đơn vị này là hơn 2,5 tỷ đồng.

Dù thừa nhận phía công ty không đảm bảo được quyền lợi của người lao động nhưng bà Lê Thị Thu Ba cho rằng những phản ứng của các giáo viên là “phá rối” bởi công ty vẫn cho người lao động ứng tiền thai sản hàng tháng, chăm lo rất tốt cho người lao động bằng việc chăm sóc tốt cho nhiều người bị bệnh, ốm đau(?)
 
Ông Nguyễn Văn Vịnh, giám đốc BHXH Q.11, TP.HCM cho biết: Chúng tôi đã xuống trường nhiều lần nhưng đều không có người tiếp, tháng nào cũng nhắc nợ nhưng trường đều không thực hiện. Rõ rằng, việc nhà trường trừ tiền bảo hiểm hàng tháng của người lao động mà không đóng là vi phạm pháp luật. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn