Nhiều phụ huynh cấm con dùng nước C2, Rồng Đỏ

10:41 | 12/05/2016;
Trước những thông tin về nghi án trà xanh C2 bị nhiễm độc chì, rất nhiều phụ huynh đã tỏ ra hoang mang sợ hãi. Thậm chí, họ đã dừng hẳn không cho con uống loại nước này...

Mới đây, người tiêu dùng không khỏi giật mình trước clip ghi lại quá quá trình sản xuất thạch rau câu, nước siro hoa quả, hạt trân châu siêu bẩn tại một xưởng gạch, không có giấy phép kinh doanh vừa bị bắt giữ. Cơ sở này sử dụng đồ dùng cáu bẩn, hoen gỉ rất mất vệ sinh trong quá trình sản xuất thạch. Đặc biệt nguyên liệu và các chất phụ gia được dùng để làm thạch rau câu và hạt trân châu chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bởi thế, khi xuất hiện thông tin nguyên liệu sản xuất đồ uống của Cty TNHH URC Việt Nam (các sản phẩm nổi tiếng là trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ) có hàm lượng chì vượt mức cho phép nhiều lần càng khiến người dân thêm lo lắng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Bởi, những loại đồ ăn, thức uống này được khá nhiều trẻ em yêu thích.

c2.jpg
Người tiêu dùng đang hoang mang trước thông tin nước ngọt C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì 

Trước thông tin về nguyên liệu nước uống trà xanh C2 bị nhiễm chì, tiếp xúc với PV, Chị Hà Thị Lan Anh (quận Hà Đông, Hà Nội), bày tỏ: “Đây là nước uống mà con tôi thường xuyên sử dụng. Mới đây, khi biết thông tin về nguyên liệu trà xanh C2 nghi bị nhiễm độc chì gia đình tôi vô cùng hoang mang. Bởi con tôi cũng như nhiều cháu nhỏ khác đã có thời gian dài sử dụng loại nước giải khát này”.

“Dù cháu đã quen mỗi lần đi học về nóng nực là uống một chai C2 mát lạnh nhưng ngay sau khi biết thông tin trên, tôi đã không cho con mình uống loại nước này nữa. Bây giờ điều tôi lo lắng là loại nước này nhiễm độc chì như thế nào và cháu nhà tôi uống một thời gian dài như vậy thì ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao”, chị Lan Anh chia sẻ.

Cùng quan điểm với chị Lan Anh, chị Bùi Thị Thắm (ở phố Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, HN) cũng nói không với sản phẩm C2, Rồng Đỏ ngay sau khi xuất hiện thông tin nguyên liệu sản xuất những loại nước ngọt này nhiễm độc chì.

“Tại sao một sản phẩm bán ra cho cả người lớn và trẻ em sử dụng mà họ lại sử dụng hóa chất độc hại như vậy? Đúng là không có lương tâm mà. Cả nhà tôi vô tư uống, thậm chí lúc mang bầu cũng uống, con tôi bé tí cũng cho cháu uống vì nghĩ sản phẩm tốt như quảng cáo. Giờ nếu gia đình tôi bị ảnh hưởng sức khỏe, ai sẽ đền bù”, chị Thắm tức giận bày tỏ…

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Xuân, chủ của hàng tạp hóa ở Đại Từ, Thái Nguyên, cho hay: “Nếu không thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng, báo chí thì chúng tôi cũng chưa biết được về việc nguyên liệu sản xuất trà xanh C2, Rồng Đỏ bị nhiễm độc chì quá mức cho phép. Mấy ngày gần đây lượng mua loại nước giải khát này tại cửa hàng của tôi đã giảm hẳn, dù nhà tôi gần điểm du lịch hồ sinh thái. Đến giờ nghe thông tin này tôi cũng thấy hoang mang quá. Vừa lo cho sức khỏe người sử dụng, lại vừa sợ khách hàng tẩy chay”.

Còn theo bà Hoa chủ cửa hàng tạp hóa ở Phú Đô, Từ Liêm, Hà Nội thì lượng tiêu thụ trà xanh C2 thời gian gần đây là giảm rõ rệt. Bà Hoa cho hay, chiều 11/5, bà cũng đã gọi cho nhân viên của đơn vị cung ứng loại nước này đến để trả lại một thùng nước do ế khách.

 

tap-hoa.jpg
Chủ tiệm tạp hóa này cho biết lượng khách tiêu thụ nước uống C2 đã giảm đi nhiều.

Trước đó, trao đổi với PNVN, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin nước giải khát C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, chiều ngày 9/5, Cục đã chỉ đạo lấy mẫu nước C2, nước Rồng đỏ (đều của Công ty TNHH URC Việt Nam) đang bày bán trên thị trường và lấy mẫu nguyên liệu tại nhà máy để kiểm nghiệm. Việc kiểm nghiệm cũng đã được giao cho một đơn vị độc lập khác, chứ không phải là Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia.

Cũng theo ông Phong, nếu đúng là nguyên liệu, nước ngọt có hàm lượng chì như phản ánh sẽ phải xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu thông tin không đúng, cũng cần có trả lời rõ ràng để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng nước nhiễm một lượng chì lớn và trong thời gian dài có thể khiến một người bị nhiễm độc và thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Đối với trẻ em có mức hấp thụ chì cao gấp 3-4 lần người lớn. Chì tích tụ ở xương, cản trở chuyển hóa Canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Ngộ độc chì còn gây ra biến chứng viêm não ở trẻ em. Chì tác động lên hệ thống enzyme vận chuyển hiđro gây nên một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương).

Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến, nếu nặng có thể gây tử vong. Với những phụ nữ có thai thường xuyên tiếp xúc với chì khả năng sảy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn. Chì có tác dụng rất độc hại cho cơ thể con người và có thể gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính, ví dụ như bệnh thận hay bệnh thần kinh.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thì: “Nhiễm độc chì trong thực phẩm rất nguy hiểm. Bởi “chì là một kim loại nặng thuộc nhóm kim loại độc cần phải lưu tâm. Nếu ăn (hoặc uống) với hàm lượng nhiều sẽ có thể xảy ra nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc mức độ dung nạp hàm lượng chì vào cơ thể của người dân. Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh về lâu về dài”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn