Chị Bùi Thị Hồng Liên (Q.Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: "Con gái tôi vừa mới trải qua kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng, cả gia đình rất tự hào vì con đỗ điểm cao so với nguyện vọng ban đầu. Cả gia đình tôi đã ăn uống 1 bữa để chúc mừng con, nhất là khi con đỗ vào trường học ở gần nhà, cách nhà chưa đầy 1km".
"Ban đầu vợ chồng tôi nghĩ với tuổi trẻ của con, con vẫn có thể đạp xe đi học như mấy năm cuối cấp 2, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa giúp con chủ động thời gian đi học. Tuy nhiên, vừa vào năm học mới được 2 tuần, con nhiều lần về nói chuyện sẽ không đi xe đạp đến trường, mà muốn bố mẹ mua xe gắn máy để con đi học. Trong khi bố mẹ còn cân nhắc về việc có nên mua xe cho con hay không, khi con chưa đủ tuổi thi lấy bằng lái xe gắn máy. Sau nhiều ngày lưỡng lự chưa mua cho con, chúng tôi phân tích cho con hiểu nhà mình gần trường, nếu con không đi xe đạp vì sợ lạc lõng với các bạn, thì con đi bộ cũng tốt cho sức khoẻ. Hôm nào mưa gió to, bố mẹ đi làm về sớm sẽ đón con. Chỉ có vậy, mà con bé phụng phịu, dỗi dằn. Đi học thêm cách nhà chỉ 1 cây số, cô bé không đi học và nói sợ các bạn chê cười" – chị Hồng Liên kể.
Gia đình chị Minh Liễu (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chung nỗi niềm này. Chị bảo tuần này vợ chồng chị sẽ đi chọn xe gắn máy phù hợp với lứa tuổi chưa có bằng lái xe như con chị.
Chị Liễu chia sẻ: "Nghe con bé nói đi xe đạp đến trường tuần đầu tiên, nhưng trong bãi để xe chỉ có 1-2 xe đạp. Lúc tan trường các bạn đều lên xe gắn máy rồ ga đi trước, bỏ lại con với 1 bạn nữa đạp xe cọc cạch đi sau. Các bạn còn quay lại cười, lè lưỡi, vẫy tay chế giễu con là "sên bò" thế thì cứ đi sau hít khói nhé, khiến con thấy mất tự tin, thấy ngại khi đi xe đạp đến trường".
Chị Liễu cho biết, con gái chị vốn là đứa hiền lành, 9 năm học cấp 1 và cấp 2 đều là học sinh giỏi, ăn mặc cũng chỉ đồng phục hoặc quần bò, áo phông giản dị. Con chưa bao giờ biết ăn diện, đua đòi, vì hoàn cảnh gia đình cả bố mẹ đều là công chức nhà nước, lo cho 2 con ăn học đàng hoàng cũng không đơn giản. Đây là lần đầu tiên vợ chồng chị thấy con gái đưa ra đòi hỏi muốn có xe gắn máy đi học giống các bạn.
Thấy con tâm sự như vậy, ban đầu vợ chồng chị Liễu bàn bạc để lại cho con xe máy 82 cũ mà chị vẫn hay đi làm từ chục năm qua. Chị mua xe ga khác đi làm. Vậy là sau nhiều buổi chồng chị cho con gái tập đi xe máy quanh công viên của khu đô thị mới, khi con đã đi vững hơn và con xin phép bố mẹ được tự phóng xe máy đến trường. Tuy nhiên, ngay buổi đầu tiên, con đã được bác trông xe và cô giáo phụ trách đội nhắc nhở rằng con chưa có bằng lái xe thì không thể đi xe máy trên 50cm3 đến trường. Vậy là gia đình chị lại phải đi tìm mua xe đạp máy có phân khối nhỏ hơn để con đi học.
Theo chị Liễu và nhiều phụ huynh khác, để mua cho con cái xe gắn máy hay xe đạp máy cũng không phải quá khó với khả năng kinh tế của gia đình, nhưng chị chỉ lo lắng cho sự an toàn khi tham gia giao thông của các con. Thế nhưng, chuyện các con tuổi teen, đặc biệt là học sinh cấp 3 đi học bằng xe gắn máy đang ngày càng diễn ra phổ biến trên đường phố, khiến cho nhiều phụ huynh khó từ chối chuyện sắm xe gắn máy cho các con đi học để bằng bạn, bằng bè.
Những lo lắng của các bậc phụ huynh khi cho con đi xe gắn máy ra đường là có cơ sở, nhưng không phải cha mẹ nào cũng kiên quyết từ chối đề nghị của con. Đôi khi các phụ huynh đành gạt nỗi lo an toàn sang một bên để chiều theo sở thích, đáp ứng nguyện vọng của con.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16-18 (học sinh THPT). Đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Vì vậy, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bổ sung các quy định học sinh dưới 16 tuổi khi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW phải có GPLX hạng A0.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết: "Hiện nay, đang nổi lên thực trang mất an toàn cho xe đạp điện, xe máy điện. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định để giải quyết dứt điểm thực trạng này. Trong đó đưa ra khái niệm thế nào là xe đạp điện. Theo đó, đối với loại xe có công suất trên 250vol sẽ được gọi là xe gắn máy. Toàn bộ xe đạp điện hiện nay sẽ được quy định là xe gắn máy để quản lý".
Theo khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định về các độ tuổi được phép điều khiển phương tiện phù hợp. Cụ thể:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 60, Luật Giao thông đường bộ 2008, người từ đủ 16 tuổi (tương đương độ tuổi học sinh cấp 3 hiện nay) đã được phép điều khiển xe máy nhưng có dung tích xi-lanh dưới 50cm3.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh muốn đảm bảo an toàn giao thông cho con cái, cần lựa chọn mua sắm các loại xe phù hợp với lứa tuổi của các em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn