Từ đầu tháng 10/2022 đến nay, có hơn 700 trẻ em ở huyện Chợ Đồn (Bắc Giang) có biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt từ 38,5 đến 40 độ, ho, đau họng, mệt mỏi, không khó thở, không xuất huyết dưới da. Nghiêm trọng hơn, đã có 1 bé tử vong, được chẩn đoán do sốc tim, viêm cơ tim nặng, trên hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc kèm theo sốt cao.
Đặc biệt, trong đó có đến 8/12 mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm và khẳng định dương tính với cúm B.
Theo các chuyên gia, thời tiết hiện nay thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh và gây bệnh. Đặc biệt trẻ em có sức đề kháng yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.
Cúm B là một loại cúm thường xảy ra và thời điểm giao mùa, chuyển lạnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh báo cáo cả 2 loại cúm A và B đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Vì vậy, mọi người nên chủ động có những biện pháp phòng bệnh tích cực.
Cúm B là 1 trong 3 chủng của cúm, bao gồm cúm A, B và C. Cúm B cũng rất dễ lây lan và có thể gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh trong những trường hợp nặng hơn.
Thời gian ủ bệnh của cúm B rất ngắn, chỉ từ 1 đến 3 ngày với những biểu hiện không rõ ràng. Từ ngày thứ 3 - 5 các triệu chứng rõ hơn, như sốt cao, đau họng, sổ mũi, …
Các triệu chứng cúm thường đến một cách đột ngột, cúm B có những dấu hiệu điển hình như cúm thông thường, chẳng hạn:
- Mệt mỏi
- Ho, có xu hướng ho khan
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Đau họng
- Đau cơ
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu
- Sốt
- Chán ăn
- Nhiều trường hợp có thể bị tiêu chảy hoặc nôn, triệu chứng này thường diễn ra ở trẻ em
Cúm B có xu hướng gây ra một dạng cúm nhẹ hơn cúm A. Trong khi cúm A có thể dẫn đến các triệu chứng cúm từ trung bình đến nặng ở tất cả các nhóm tuổi và ở động vật, thì cúm B chỉ ảnh hưởng đến con người.
Ngoài ra, cúm B phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn. Các triệu chứng của cúm B sẽ mạnh hơn so với cúm C. Nên mọi người cũng không nên chủ quan khi mắc bệnh.
Khi bị cúm B và được điều trị đúng cách, người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, cúm B nguy hiểm hơn ở trẻ em và người già, người hệ miễn dịch kém.
Nếu để bệnh trở nặng, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tai hoặc xoang, viêm phổi, viêm phế quản.
Ngoài ra, cúm B có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Nếu người bị cúm B, nhất là trẻ em khi có các dấu hiệu sau, cần được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời:
- Không thể đi tiểu
- Sốt hoặc ho kéo dài
- Đau cơ nghiêm trọng
- Tình trạng sức khỏe mãn tính trở nên tồi tệ hơn
- Khó thở
- Tức ngực
- Chóng mặt
- Co giật
Điều quan trọng nhất khi bị cúm là người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra và chẩn đoán chính xác loại cúm gây bệnh.
Sau đó tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh nên chú ý một số điều sau:
- Nghỉ ngơi và hạn chế tiếp xúc với người khác, tránh làm lây lan virus
- Uống nhiều nước, nếu sốt có thể bổ sung thêm điện giải để tránh để cơ thể mất nước, mệt mỏi.
- Dùng các thuốc được kê đơn để làm giảm triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, kháng virus. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc dùng thuốc, đặc biệt đối với trẻ em.
- Bổ sung dưỡng chất và vitamin. Đặc biệt, nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, D, và Kẽm để làm giảm viêm, tăng cường đề kháng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Con đường lây nhiễm của cúm B cũng như các loại cúm khác. Mọi người có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc tiếp xúc với các bề mặt, đồ vật nhiễm virus, sau đó chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Vì vậy, mọi người có thể phòng bệnh bằng cách tránh xa những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc khử khuẩn, đặc biệt trước khi ăn
- Không nên chạm tay lên mắt, mũi, miệng vì có thể tạo điều kiện cho virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Điều này cần chú trọng nhất ở trẻ em, vì trẻ thường hay có thói quen này.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách: xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và vitamin, tập luyện thể dục, giữ tinh thần thoải mái, ngủ sớm, không nên hút thuốc hoặc dùng các đồ uống có chất kích thích.
- Hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi. Nếu bắt buộc cần tiếp xúc, nên đeo khẩu trang khi nói chuyện.
- Tiêm phòng cúm B, đặc biệt là trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi, người mắc các bệnh nền như tiểu đường, tim, ung thư… Người tiêm phòng vẫn có khả năng mắc cúm nhưng tỷ lệ thấp, khi nhiễm bệnh sẽ không bị trở nặng hoặc nhập viện.
Nhìn chung, khi bị nhiễm cúm B, mọi người không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan trong quá trình điều trị. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như sốt nhiều ngày, ho dai dẳng, sổ mũi, nghẹt mũi không thuyên giảm nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn