Nhiều trường hợp tự hủy hoại thân thể để lấy tiền bảo hiểm

08:21 | 18/08/2019;
Khách hàng che giấu thông tin, thậm chí để trục lợi tiền từ các công ty bảo hiểm, có khách hàng còn tự hủy hoại chính thân thể mình là những vấn đề khó khăn mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt.
Đó là thông tin được đại diện Hiệp Hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) chia sẻ tại buổi trao đổi thông tin với báo chí diễn ra chiều 17/8 tại Quảng Ninh.
 
Chia sẻ tại buổi trao đổi thông tin, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký IAV, vấn đề tranh chấp giữa bên bán và bên mua, khách hàng cố tình che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch, thậm chí có những khách hàng dùng các thủ thuật tinh vi để trục lợi tiền bảo hiểm đã và đang là những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
 
20190817_145613.jpg
Theo báo cáo của IAV, thị trường bảo hiểm trong nước 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.

 

“Có trường hợp như một tỉnh phía Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, một xã mà có đến hàng chục người bị đứt ngón tay cái. Lý do họ đưa ra là do tai nạn lao động, song điều này cũng có sự bất thường. Bởi ngón tay cái đứt thì bảo hiểm thường phải chi trả khá cao. Có khách hàng đứt ngón tay cái, được bảo hiểm chi trả 300 triệu đồng, đến năm sau thì lại tiếp tục… đứt luôn ngón tay cái còn lại để hưởng thêm 300 triệu đồng nữa”, ông Dũng dẫn chứng.
 
Theo ông Dũng, hiện nay trong một số quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm vẫn còn một số bất cập như vấn đề quy định và quản lý đối với những đại lý bán bảo hiểm vẫn chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều đại lý ảo và có dấu hiệu lừa dối khách hàng khiến những công ty bảo hiểm chân chính bị ảnh hưởng uy tín; vấn đề môi giới cá nhân tư vấn và cung cấp thông tin không chính xác cho khách hàng nhằm đạt doanh số; chưa xây dựng được hệ thống phần mềm của hiệp hội để thống nhất thông tin do vướng quy định luật về bí mật kinh doanh… là những vấn đề đòi hỏi cần sớm được tháo gỡ.
 
 
20190817_165835.jpg
Đánh giá về triển vọng của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới, ông Ngô Trung Dũng cho rằng dù còn rất nhiều tiềm năng nhưng sẽ có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụt giảm.

 

Đánh giá về triển vọng của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới, ông Ngô Trung Dũng cho rằng dù còn rất nhiều tiềm năng nhưng sẽ có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụt giảm.
 
“Nguyên nhân trước mắt thì đó là do tác động trực tiếp từ Thông tư 50 hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có những nội sung siết chặt hơn so với trước, nhưng về sâu xa thì đó là do thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn phát triển khá nóng với mức tăng trưởng lên đến gần 30%/năm, nên giờ đây bước vào chu kì suy giảm. Thực trạng của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay cũng có nhiều nét giống với thị trường bảo hiểm của Nhật Bản khoảng 30 năm trước”, ông Trung nhận định.
 
Cũng theo ông Trung, bảo hiểm Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm nay và đây là mục tiêu có thể đạt được, vì hiện vẫn đang tăng trưởng tốt. Song về trung và dài hạn, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn và sụt giảm có tính chu kì sau một thời gian dài đã tăng trưởng nóng.
 
Vẫn duy trì đà tăng trưởng trong năm nay
 
Theo báo cáo của IAV, thị trường bảo hiểm trong nước 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 môi giới bảo hiểm. Cùng với đó cũng có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
 
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 423.423 tỷ đồng (tăng 19,01% so với cùng kỳ năm trước), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng (tăng 26,17%), tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng (tăng 16,08%).
 
Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng (tăng 24,35%), tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91.456 tỷ đồng (tăng 28,8%). Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.653 tỷ đồng (tăng 19,61%), phí thu xếp qua môi giới ước đạt 4.215 tỷ đồng, hoa hồng môi giới ước đạt 383 tỷ đồng (tăng 4,2%).
 
Trong 6 tháng đầu năm, ngành bảo hiểm đã chi trả 10.318 tỷ đồng (tăng 30%) so với cùng kỳ. Số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đạt 1.222.000 hợp đồng (tăng 27%).
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn