Gần đây, việc trẻ tự tử do bị trầm cảm, do áp lực học tập diễn ra liên tiếp. Cuối năm 2021, bé trai 12 tuổi ở chung cư Goldmark City, Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. Theo thông tin của gia đình, do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt nên con đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 xuống đất.
Ngày 23/3/2022, nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội. Được biết, việc em tự tử cũng liên quan đến học hành. Sáng cùng ngày, em đi học về trong tâm trạng không vui. Sau đó, em chia sẻ với chị về việc học tập thì đến tối đã xảy ra vụ việc đau lòng.
Gần đây nhất, hôm 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Theo thông tin, em có dấu hiệu trầm cảm.
Những vụ đau lòng liên tiếp xảy ra gần đây khiến ai cũng đau xót. Theo chị Quang Thu Nguyệt, tác giả cuốn sách Yêu thương và chấp nhận con tuổi vị thành niên, cha mẹ và những đứa trẻ ấy đều là nạn nhân. Nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Nếu cha mẹ được trang bị đủ kiến thức để hiểu được tâm lý phát triển theo từng giai đoạn của một con người nói chung và một đứa trẻ nói riêng. Nếu con cái được trao quyền nhiều hơn (theo phương pháp thiết lập giới hạn theo phương pháp dân chủ để dạy con trách nhiệm), được yêu thương và chấp nhận.
Chị Quang Thu Nguyệt cho biết, ở giai đoạn "quá độ" từ trẻ con sang người lớn, trẻ vị thành niên thường rất khó để xác định bản thân mình là ai, muốn/đam mê gì. Bởi trẻ đang ở trạng thái Identity Crisis - hay còn gọi là khủng hoảng về nhận diện bản thân. Sự quá tải về thông tin và trách nhiệm phải gánh vác khi trở nên trưởng thành hơn: Lo cho bản thân; gia đình; các mối quan hệ xã hội; và các giá trị về văn hóa hay truyền thống của đất nước… Quá nhiều thứ xảy ra, trong khi trung tâm cảm xúc (clibic system) gần như quản lý tất cả các hoạt động của não bộ.
Chính điều này đã khiến cho hầu hết trẻ vị thành niên nảy sinh rất nhiều những suy nghĩ bồng bột và nguy hiểm. Hiểu được tâm lý trẻ qua từng giai đoạn, cha mẹ có thể thấu hiểu hơn các hành vi của con. Hiểu được các ngôn ngữ yêu thương, cha mẹ sẽ biểu đạt tình yêu thương đối với con theo cách mà con có thể cảm nhận được.
Là người có 1 giai đoạn/thời gian làm việc về tâm lý trẻ em và cũng có con tuổi teen, anh Phạm Hải Bình, chuyên gia phát triển cộng đồng, cho rằng, những sự việc đau lòng này đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, không thể không kể đến sự khác biệt giá trị giữa các thế hệ, khoảng cách thế hệ (lối sống, tư duy) giữa cha mẹ và con cái có dẫn đến các mâu thuẫn.
Cha mẹ luôn mong mỏi, kỳ vọng con học giỏi để sau này thành công, có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp. Đó là những mong mỏi rất chính đáng. Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu thương mỗi gia đình sẽ khác nhau, trẻ có thể không cảm nhận được mà có tác dụng ngược lại. Cha mẹ không hiểu được tâm lý, mong muốn, khả năng của con. Khi con không đi theo “quy chuẩn”, cha mẹ tỏ thái độ khó chịu, thực hành các hành vi bạo lực với con (có thể là quát mắng). Ở tuổi dậy thì, các em có nhu cầu khẳng định mình, rất nhiều em muốn thoát khỏi sự phụ thuộc và kiểm soát của cha mẹ, muốn thoát khỏi trật tự, khuôn phép, quy định mà cha mẹ áp đặt từ lúc bé. Đặc biệt, ở lứa tuổi khủng hoảng này, đứa trẻ chưa đủ tư duy để suy nghĩ chín chắn, có khi còn chưa phân định được đúng-sai trong nhiều tình huống, chúng bị cảm xúc chi phối rất nhiều nên chúng “ra quyết định” rất nhanh.
Chúng ta không được dạy làm bố mẹ, chính các con giúp chúng ta học mỗi ngày. Theo anh Phạm Hải Bình, điều cha mẹ cần làm khi có con tuổi teen là cần phải chấp nhận con là chính nó với cá tính riêng. Bởi, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, mỗi đứa trẻ có một thế giới riêng. Thế nên, bố mẹ không nên so sánh con với bạn khác, không nên quá kỳ vọng con học giỏi, đạt thành tích nọ, thành tích kia như bạn khác. Thậm chí, có những thời gian, bố mẹ phải chấp nhận con thụt lùi, lười nhác, chấp nhận những tính được cho là xấu của con. Bởi giáo dục là quá trình dài, là sự thay đổi có thể rất chậm.
Anh Phạm Hải Bình cho rằng, không có một chuyên gia tâm lý nào có thể hiểu đứa trẻ hơn bố mẹ nó. Thế nhưng, không phải bố mẹ nào cũng chấp nhận con. Thực tế, ít gia đình dám cho con có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, thoải mái mà luôn tạo áp lực, đòi hỏi con về điểm số, thành tích. Bố mẹ hãy “lùi lại” để sống bên con - yêu thương con dành thời gian chơi với con, nói chuyện, chia sẻ với con mỗi ngày (ví dụ: Tôn trọng sự riêng tư; Tôn trọng các mối quan hệ; Tôn trọng sở thích…. của con) Có như vậy, bố mẹ mới giúp con vượt qua những những khủng hoảng, thách thức trong giai đoạn này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn