Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

09:41 | 19/09/2020;
Chiều 18/9, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về đề xuất lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Nhiều ý kiến xung quanh vấn đề lồng ghép giới đã được các đại biểu, chuyên gia thảo luận sôi nổi.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và chuẩn bị họp thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Trong quá trình xây dựng Luật, Hội LHPN Việt Nam đã có ý kiến về hồ sơ Luật. Một số ý kiến của Hội đã được Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.

Để giúp Hội tiếp tục phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), chiều 18/9, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về đề xuất lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo này.

Mở đầu Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Cầm – Trưởng ban Chính sách luật pháp (Hội LHPN Việt Nam) đã nêu các vấn đề để đại biểu trao đổi, cho ý kiến. Trong đó tập trung vào việc lắng nghe ý kiến của chuyên gia, đại biểu các vấn đề bình đẳng giới, các vấn đề liên quan tổ chức hội…đã được thể hiện đầy đủ trong dự thảo luật hay chưa? Vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm, gắn với bình đẳng giới (nguyên tắc xây dựng) nguyên tắc như vậy, đã được thẩm thấu trong các điều luật hay chưa?

Bà Nguyễn Thanh Cầm - Trưởng ban Chính sách Luật pháp phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Bà Nguyễn Thanh Cầm - Trưởng ban Chính sách Luật pháp phát biểu đề dẫn Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) cho rằng, dự thảo đã đề cập đến bình đẳng giới, tuy nhiên lại chưa quan tâm đến quyền trẻ em.

"Cần quán triệt nguyên tắc về quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, không nên quy định chủ thể chung chung là người dân, cộng đồng…chủ thể chung được dùng trong luật là người dân, cộng đồng. Trẻ em vắng bóng hoàn toàn trong dự thảo. Người lớn đang quyết thay hết cho trẻ em...", bà Thanh Hòa nêu ý kiến.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng góp ý, khi tổ chức họp cộng đồng để lấy ý kiến cư dân, UBND nên phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể và nên chia ra các nhóm cư dân để lấy ý kiến: Lấy ý kiến nam giới riêng, phụ nữ riêng, trẻ em riêng, để ai cũng có quyền bày tỏ.

Chuyên gia Lê Việt Trường cho rằng, dự thảo cần quy định cụ thể hơn về việc xử lý hành vi vi phạm môi trường, bởi hiện tại việc xửu lý này chưa kiên quyết, chưa nhanh chóng.

Ngoài ra, theo ông Trường, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức chính trị xã hội để họ tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, vấn đề bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo cần có quy định đảm bảo sự nhạy cảm giới trong việc đánh giá tác động, trình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất, thiệt hại do BĐKH và đảm bảo thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự báo phát triển kinh tế - xã hội; trong triển khai thực hiện hoạt động thích ứng với BĐKH. Quy định các vấn đề về quản lý quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường cần được phân tách giới.

Về quy định quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Hội LHPN Việt Nam: Dự thảo luật có quy định quyền, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (điều 162, 163). Trong đó, khoản 3 điều 163 có quy định cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường thông qua nhiều mô hình/hoạt động phong phú, qua đó đã thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân địa phương. Đặc biệt, từ thành công cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Đoàn Chủ tịch TW Hội phát động từ năm 2009, Hội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa Cuộc vận động vào Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Từ đó, một số đại biểu đến từ Hội LHPN các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh đề nghị cần có quy định quyền, trách nhiệm của Hội LHPN trong phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; giảm thiểu rác thải nhựa; vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm.

Bày tỏ quan tâm tới một trong những điểm mới của dự thảo Luật về quy định về mua sắm xanh, các đại biểu cho rằng, quy định này gắn với việc phụ nữ thường tham gia vào các hoạt động mua sắm, tiêu dùng, vì vậy, cần có quy định về trách nhiệm của tổ chức Hội và vai trò nòng cốt hội viên, phụ nữ trong việc vận động mua sắm xanh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn