Ngày 25 tháng 4 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới lấy làm ngày "Thế giới phòng chống sốt rét". Chủ đề tuyên truyền của ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2020 là: "Mỗi người hãy góp phần loại trừ bệnh sốt rét" nhằm kêu gọi toàn thể xã hội cùng chung tay góp phần thực hiện các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở các nước.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm. Năm 2019, số người có ký sinh trùng sốt rét giảm 50% so với năm 2015 (4.665/9.331), không có trường hợp tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra.
Tuy nhiên, hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét còn nhiều khó khăn, thách thức. Bệnh sốt rét có nguy cơ bùng phát gia tăng số mắc, số chết, gây dịch do: Ký sinh trùng sốt rét còn cao ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận; ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị có nguy cơ lan rộng; muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét...
Do đó, các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét rất cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đầu tư của nhà nước và các cấp chính quyền trong những năm tới để duy trì ổn định những thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra, đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.
Các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, đặc biệt là các vùng trọng điểm về sốt rét và sốt rét kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở địa phương. Tích cực phòng chống bệnh sốt rét, tuyên truyền người dân sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân (ngủ màn tẩm hóa chất, dùng kem xua muỗi,...). Giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân sốt rét, đặc biệt các vùng có sốt rét kháng thuốc cần sử dụng thuốc thay thế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Xử lý ổ bệnh nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Duy trì ổn định những thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra và thực hiện đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét theo lộ trình.
Theo PGS. TS. Trần Thanh Dương, hiện nay sốt rét vẫn chưa có vaccin phòng bệnh nên mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh như: Giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, phát quang bụi rậm, không để ao tù nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước; phun thuốc diệt muỗi; khi đi ngủ cần có màn và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Khi đi du lịch hoặc đến vùng dịch bệnh cần mặc quần áo dài, bôi thuốc xua muỗi…
Khi có các biểu hiện sốt không thành cơn, hay ớn lạnh, kéo dài liên tục, da vàng, xanh xao, thiếu máu, gan lách to, cơ thể suy nhược; rét run, sốt cao và vã mồ hôi; thân nhiệt tăng nhưng bệnh nhân lạnh dữ dội, run, nổi da gà, đau đầu, nôn mửa, sốt cao, mồ hôi ra nhiều, khát nước… người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn