Trong căn hộ đơn sơ ở khu chung cư Bình Thới, Q.11, TPHCM, bà Phùng Ngọc Anh đứng mở cửa sẵn khi chúng tôi tới thăm. Cả 2 mắt của bà đã mờ nhưng người nữ biệt động thành Sài Gòn năm nào vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Nổi tiếng với tấm ảnh bĩu môi khi bị địch nhúng tay vào acid, được 1 nhà báo người Mỹ chụp được ngay trong buổi thẩm vấn tại Tổng nha Cảnh sát năm 1968, bà Ngọc Anh giờ vẫn mang phong thái lạc quan.
Nói về Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng, bà Phùng Ngọc Anh cho biết: "Tôi biết đến chị Lê Thị Riêng khi bị bắt vào tù, năm 1967. Nhưng không thể ngờ rằng, chúng tôi lại cùng trải qua trận sinh tử biệt ly khủng khiếp vào năm sau đó".
Theo lời kể của bà Phùng Ngọc Anh, vào ngày 31/1/1968, tức mùng 2 Tết Mậu Thân, địch đã chở 3 chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn là Lê Thị Riêng, Trần Văn Kiểu và Phùng Ngọc Anh đi thủ tiêu.
"Chị Lê Thị Riêng khi ấy chừng 42 tuổi, anh Trần Văn Kiểu khoảng 50 tuổi và tôi 27 tuổi. Anh Chín Ca (tên thường gọi của anh hùng Trần Văn Kiểu-PV) khi bị bắt thì đang phụ trách Công đoàn thành phố Sài Gòn - Gia Định. Còn chị Lê Thị Riêng là Hội phó của Hội Phụ nữ miền Nam Việt Nam.
Địch đưa 3 người chúng tôi lên xe, bắt đầu từ Tổng nha Cảnh sát lúc khoảng 17h. Đằng sau thùng xe rào bằng lưới B40, còn phía trước có 3 lính ngồi. Xe chạy lòng vòng từ Tổng nha xuống Hàm Tử, chạy lên Chợ Lớn, rồi lại quẹo vô Hùng Vương. Cứ chạy tới chạy lui như vậy vài vòng cho tới bùng binh Tổng Đốc Phương thì xe ngừng lại", bà Phùng Ngọc Anh nhớ lại.
Chiếc xe chở 3 chiến sĩ biệt động thành đi trước, cách sau chừng 7-8 mét là có một chiếc xe khác bám theo, trên nóc xe này đặt 3 ụ trung liên. Các chiến sĩ hiểu ra rằng, địch muốn thủ tiêu họ nhưng chúng muốn tìm vị trí thuận lợi để bắn chết, nhằm đổ tội cho Việt cộng.
Bà Phùng Ngọc Anh kể: "Khi xe vừa ngưng lại thì ngay lập tức 3 ụ trung liên của xe sau nhả đạn vào xe chúng tôi. Cả 3 người chúng tôi đều la lên: Đả đảo, đả đảo! Tôi ngồi chính giữa, chị Lê Thị Riêng và anh Chín Ca ngồi 2 bên.
Nghe tiếng súng, ngay lập tức chúng tôi nằm sát rạt xuống để né đạn. Anh Chín Ca vừa la "Đả đảo" thì kêu lên, tôi biết anh Chín đã trúng đạn. Lúc đó, tôi cũng vừa bị trúng đạn vào đùi, mệt quá, không hô nổi nữa. Chị Lê Thị Riêng nhấc đầu lên hỏi: "Anh Chín có sao không?", thì không nghe anh Chín trả lời. Chị Riêng quay sang hỏi tôi: "Ngọc Anh có sao không", tôi liền nói: "Em trúng đạn rồi chị ơi". Sau khi bắn lần đầu, địch nạp đạn để bắn tiếp".
Sau đó, bà Phùng Ngọc Anh thấy bà Lê Thị Riêng ngẩng lên hô: "Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm". Sau lời hô này, 1 tên lính ngụy đi tới, bắn hai phát liên tiếp vào bà Lê Thị Riêng. "Khi ấy, chị Riêng ngã xuống. Tôi nghe tiếng thở yếu ớt của chị ấy. Ít phút sau, không còn nghe tiếng thở của chị ấy nữa. Chị Riêng đã hy sinh", bà Phùng Ngọc Anh kể lại.
Bà Phùng Ngọc Anh khi đó lết tới, cầm tay người đồng đội Trần Văn Kiểu. Bà cho biết: "Tôi thấy tay anh Chín đã lạnh ngắt, mạch đã ngưng. Vậy là anh Chín cũng đã hy sinh. Tôi ôm 2 người đồng chí của mình và khóc".
Nằm trong thùng xe, bị thương bên cạnh 2 người đồng chí của mình vừa hy sinh, bà Phùng Ngọc Anh mê mê tỉnh tỉnh, vẫn nghe thấy tiếng đợt trung liên nữa nhả đạn. Sau đó, bà được một bác sĩ phát hiện ra còn sống nên đưa về nhà thương cứu chữa. Khi vừa được đặt nằm xuống giường nhà thương, bà Phùng Ngọc Anh nghe đồng hồ gõ 12 tiếng.
"Các chị tù chính trị ở trong bệnh viện nói: 12 giờ rồi! Đêm đó là mùng Hai Tết. Vậy là chỉ trong buổi tối, chúng tôi đã trải qua những thời khắc tử biệt. Hình ảnh anh Chín Ca - Trần Văn Kiểu và chị Lê Thị Riêng đã anh dũng hy sinh trước mắt tôi, chưa phút giây nào tôi quên!", bà Phùng Ngọc Anh nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn