Nhìn lại 1 năm đại dịch Covid-19 hoành hành: Điểm danh những ngành bị thiệt hại nhất

06:16 | 30/12/2020;
Du lịch, vận tải, sản xuất dầu mỏ được xem là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do giãn cách xã hội đã tạo ra hiệu ứng domino.

Đại dịch Covid-19 kích hoạt làn sóng vỡ nợ

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có 81% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trong quý 2/2020, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020-2021 của ILO mới công bố cho thấy, Covid-19 đã khiến tiền lương tháng giảm đi hoặc tăng chậm hơn trong 6 tháng đầu năm 2020 ở 2/3 số quốc gia toàn cầu có số liệu chính thức.

Cuộc khủng hoảng này sẽ khiến tiền lương giảm trầm trọng trong thời gian tới, đặc biệt với phụ nữ hơn nam giới. Số liệu ước tính dựa trên số liệu chọn mẫu của 28 quốc gia châu Âu cho thấy, nếu không có trợ cấp, tiền lương của phụ nữ trong quý II năm 2020 đã bị giảm 8,1%, trong khi con số này ở nam giới là 5,4%.

Lao động giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán tăng vọt tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc "bốc hơi" hàng nghìn tỷ USD.

Người nghèo xếp hàng xin thức ăn trong đại dịch Covid-19

Người nghèo xếp hàng xin thức ăn trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 và nỗi ám ảnh thất nghiệp

Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), năm 2021 sẽ có 435 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó 47 triệu là do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19. Điều này xuất phát từ việc phụ nữ là lực lượng đi đầu chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nên có tỷ lệ nhiễm cao. Đa số lao động nữ làm việc trong những ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như bán lẻ, dịch vụ và khu vực kinh tế không chính thức, khó tiếp cận biện pháp hỗ trợ xã hội.

Hàng không có lẽ là ngành hứng "cú đánh" mạnh nhất của Covid-19. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm ngoái, khiến doanh thu giảm hơn 60%. Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm nay sẽ chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD.

Về du lịch, theo báo cáo của LHQ, lượng khách quốc tế từ 1,5 tỷ lượt năm 2019 sẽ giảm 58% - 78% trong năm 2020, tương đương từ 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt. Ngành du lịch toàn cầu thiệt hại từ 910 triệu đến 1,2 nghìn tỷ USD và đe dọa hơn 120 triệu việc làm. Các ngành công nghiệp khác cũng chịu sự tác động tương tự như sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ và sản xuất ô tô. Do các công ty phải cắt giảm nhân sự để bù đắp cho khoản doanh thu bị sụt giảm nên sẽ tạo ra một vòng xoáy suy giảm kinh tế khi người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Họ không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống, thậm chí có khả năng rớt xuống dưới chuẩn nghèo.

IMF dự báo, 80% cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra sẽ tiếp diễn trong 10 năm tới do năng suất lao động sụt giảm, từ đó cản trở sự phục hồi hoàn toàn về mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn