Kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 lan nhanh ra thế giới, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Tròn vòng 1 năm, toàn cầu đã ghi nhận hơn 80 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu người tử vong và con số vẫn tiếp tục tăng.
Việc các nước buộc phải áp đặt những biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến các khâu của quá trình tái sản xuất-phân phối-trao đổi-tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại toàn cầu đình trệ. Khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản, hàng trăm triệu người mất việc. Các ngân hàng đối mặt với các món nợ xấu tăng lên.
Đại dịch Covid-19 được ví như một "cú đấm chí mạng" với sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới năm 2020. 12.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP giảm 4,4%-4,9% trong năm nay như nhiều định chế tài chính dự báo. Còn nếu rơi vào suy thoái lâu dài, con số này có thể lên 82.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Thay vì tăng 3%, GDP sẽ giảm khoảng 5%, lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF).
Theo giới phân tích, đây thực sự là những con số đáng báo động, cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, có thể sánh ngang, thậm chí nghiêm trọng hơn cả cuộc đại suy thoái những năm 1930. Theo Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Carmen Reinhart, việc chữa lành "vết sẹo" do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể mất tới 5 năm.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đại dịch Covid-19 đang khiến cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn. Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Vì Covid-19, số người chết đói sẽ tăng từ 135 triệu lên 270 triệu, tăng 82% so với mức trước khi xảy ra đại dịch vì chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ. 89 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tăng 15%.
IMF dự báo tỷ lệ tổng nợ công trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng từ 105% vào năm 2019 lên 132% vào năm 2021. Thế giới trong năm 2020 có thể có thêm khoảng 83-132 triệu trẻ suy dinh dưỡng vì đại dịch. Tại nhiều nơi, tình trạng khan hiếm lương thực và dịch bệnh đã gây ra mâu thuẫn và bạo lực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn