Năm 2021, dịch Covid-19 quay lại và bùng phát lần thứ 4 đã "trùm bóng đen" lên nền kinh tế. Hàng hóa lưu thông hạn chế, nhiều sự kiện tiêu dùng, mua sắm phải chuyển đổi kế hoạch và hình thức thực hiện. Tuy nhiên, trong khó khăn, dịch bệnh, hơn lúc nào hết, người tiêu dùng Việt thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Đây cũng là thời điểm, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm, bảo vệ.
Trải qua 12 tháng sống chung với Covid-19, nhiều sự kiện tiêu dùng, mua sắm đã trở thành điểm sáng trong năm 2021.
Nâng niu nông sản Việt
Covid-19 bùng phát với các yêu cầu giãn cách để phòng chống dịch khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Người nông dân đang phải đối mặt với việc rau củ, trái cây, thực phẩm… nuôi trồng ra không bán được.
Với tinh thần nông sản không phải để giải cứu mà là để nâng niu, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện chương trình "Nâng niu giá trị nông sản Việt – Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch", kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ và người nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa đại dịch.
Triển khai từ tháng 6/2021, các mô hình kết nối cung - cầu nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 nhằm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu về phòng, chống dịch, những điểm bán xanh đã được triển khai tại hệ thống các điểm bán hàng trực tiếp và trực tuyến giúp dễ dàng mua và thưởng thức đặc sản, nông sản các vùng miền.
Chương trình "Nâng niu nông sản Việt" nhận được sự quan tâm, chung sức của cộng đồng, thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm xã hội của người Việt.
Mua sắm trên nền tảng số và thanh toán không dùng tiền mặt
Dịch Covid-19 được đánh giá là chất xúc tác để thay đổi thói quen mua sắm và hình thức thanh toán của người Việt, đặc biệt là chị em phụ nữ. Dịch bệnh đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc mua sắm trên các nền tảng online, thanh toán không tiền mặt, giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng tiện ích, thanh toán mọi thời điểm, mọi khoảng cách...
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Bộ đã trực tiếp triển khai hoặc hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị, hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện các phiên giao thương và xúc tiến thương mại trực tuyến. Những chương trình này giúp doanh nghiệp - người tiêu dùng kết nối, mua sắm thuận tiện, dễ dàng hơn.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được ghi nhận sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.
Gần 17.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chương trình giảm giá điện, giảm tiền điện được triển khai trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng. Các đối tượng được áp dụng là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú và cơ sở cách ly y tế; các nhà máy, cơ sở sản xuất...
Việc thực hiện kịp thời chủ trương giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là sự nỗ lực của của các Bộ, ngành, góp phần chung tay cùng với cả nước phòng, chống dịch bệnh; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, góp phần giảm bớt khó khăn với người dân, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để sớm vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Giá vàng "nhảy múa" suốt năm
Năm 2021 được đánh giá là thời gian thị trường giao dịch vàng có nhiều biến động. Đầu năm giá vàng dao động xung quanh mức 56-57 triệu đồng/lượng. Đến tháng 11, giá vàng bắt đầu có xu hướng đi lên và có thời điểm ghi nhận tương đương ngưỡng kỷ lục năm 2020, ở mức hơn 62 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch cuối năm 2021 (31/12), tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,95-61,67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Với giá bán này, giá vàng trong nước tăng 5,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng trưởng 9,4% so với thời điểm đầu năm (4/1/2021).
Theo thống kê của các chuyên gia, giá vàng trong nước thời gian qua vẫn cao hơn thế giới, nhưng với mức chênh khoảng 12 triệu đồng/lượng, xấp xỉ 20%.
Hàng loại chương trình khuyến mại được tổ chức để kích cầu mua sắm
Chương trình khuyến mại được tổ chức liên tiếp trong năm, trên phạm vi toàn quốc đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.
Với người tiêu dùng, đây không chỉ là dịp mua sắm hàng hóa giá ưu đãi mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam qua các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tiêu biểu có thể kể đến: "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 – Vietnam Grand Sale 2021" với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%, ngày mua sắm trực tuyến Online Friday; ngày mua sắm trực tuyến xuyên biên giới ASEAN kết nối người tiêu dùng Việt với các doanh nghiệp của 10 nước thành viên trong khu vực… Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng như may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn