Nhìn thẳng vào sự thật con mắc nghiện

08:11 | 06/07/2016;
Có những vùng đất mà khi đặt chân đến, chúng ta luôn được dặn rằng “Đừng bao giờ hỏi chuyện về con cái!" vì nhiều phụ nữ nơi đây luôn lảng tránh, không muốn nói về chuyện đó.
Luôn phủ nhận và che giấu

Bà Trần Thị Thanh, 51 tuổi, ở phường Chiềng Lề, thị xã Sơn La, mảnh đất có nhiều thanh niên vướng vào ma túy. Bà Thanh là một giáo viên dạy cấp 2. Hơn 30 năm trước, bà kết hôn với một cán bộ từ dưới xuôi lên. Sau đó, ông bà sinh được 2 người con trai.

Ngày cậu lớn đi làm, cậu nhỏ thi đỗ vào cấp 3, lớp chọn, bà đã rất tự hào. Nhưng, chỉ sau vài tháng nhập học, cậu út đã bị bạn xấu cùng trường lôi kéo vào con đường nghiện hút. Một thời gian sau, người anh cũng nghiện theo.
Ngày bà Thanh phát hiện ra cả hai con đang dùng thuốc trong phòng riêng, bà đã không tin đó là sự thật. Sau đó, quá xấu hổ với đồng nghiệp, láng giềng, bà tìm mọi cách che giấu.

Trước mặt mọi người, bà luôn khen con mình rất ngoan, hiếu thảo, chăm chỉ việc nhà. Khi có ai đó đề cập đến việc nếu không may con bị nghiện hút, gia đình cần phải động viên đưa đi xét nghiệm ngay thì bà Thanh thường tìm cách gạt đi.

Với bà Nguyễn Thị Du, 63 tuổi, phường Quang Trung, T.p Thái Nguyên, cũng là địa bàn có đông người nghiện. Bà có con trai sinh năm 1974. Mấy chục năm trước, con bà đang học cấp 3 thì bị dính vào ma tuý. Có thời điểm con dùng thuốc đến 300 ngàn/ngày.

Chồng là công nhân, bà thì buôn thúng bán mẹt. Việc kiếm tiền vốn đã rất khó khăn nhưng vì thương, chiều con, bà giấu chồng đưa tiền cho con mua thuốc. Khi tiền không kiếm kịp, bà phải bán dần đồ đạc trong nhà.

Khi của nả lần lượt ra đi hết, con bà quay ra xoáy đồ của người ta. Bị phản ánh lại, bà Du không tin, bênh con chằm chặp. Cứ ai hỏi chuyện về con, bà Du đều không muốn tiếp chuyện. Sau 3 năm con nghiện, bà Du vẫn tìm mọi cách để cưới được vợ cho con để khẳng định với mọi người về việc con mình vẫn “bình thường”…

Hậu quả khôn lường
Với bà Thanh, sau thời gian các con bị nghiện, bà thấy việc giấu diếm sẽ khó khăn. Vậy là vừa để có tiền cho con hút, vừa bảo toàn danh dự gia đình, bà đã bất chấp ý kiến của chồng, tự bán đi căn nhà to, phố lớn để chuyển sang mua nhà trong ngõ nhỏ. Có nhiều tiền dư từ việc bán nhà, các con lại càng nghiện nặng, bỏ bê mọi việc, chuyển từ hút sang chích. Rồi trong một lần dùng thuốc, cậu con trai út của bà đã bị sốc và vĩnh viễn ra đi…

Với bà Du, cách đây 5 năm, khi con đi mua thuốc, đã bị công an bắt vào tù rồi sau đó là vào trung tâm cai nghiện. Từ đó đến nay, con đã ra tù, qua 4 lần cai rồi mà vẫn nghiện. Người con dâu, hơn một năm sau ngày cưới, khi phát hiện ra chồng nghiện, cô đã sợ hãi trốn đi, bỏ lại đứa con mới 1 năm tuổi, phó mặc cho bà Du nuôi nấng. Từ đó đến nay, trong  gia đình bà, hai vợ chồng già vẫn nai lưng kiếm tiền để vừa nuôi con nghiện, vừa chăm cháu nhỏ...
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ dành cho những thành viên có con, cháu bị nghiện, nhiễm HIV tại Hà Nội.
Theo bà Linh Thị Hồng, chủ nhiệm CLB đồng cảm 2, chuyên dành cho những bà mẹ có con, cháu bị nghiện, nhiễm HIV ở phường Vĩnh Tuy (Hà Nội): "Sau quá trình hoạt động chúng tôi đã nhận ra kinh nghiệm tốt nhất để giúp con và cũng là để giúp chính mình giảm bớt được nỗi đau là cần phải nhìn thẳng vào sự thật, tích cực trang bị kiến thức về ma tuý, HIV/AIDS và cần cả sự động viên, an ủi tinh thần con một cách đầy mạnh mẽ, quyết tâm”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn