Cây bút chiến trường xông xáo, dũng cảm
Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp năm 1967, Nguyễn Trung Đông đầu quân về báo Nhân Dân và làm việc ở đây 44 năm, cho đến khi nghỉ hưu năm 2011. Những trang viết của ông ấm áp và lôi cuốn bởi chan chứa trong đó tình yêu cuộc sống, con người khắp mọi miền Tổ quốc. Dù là viết về chiến tranh biên giới năm 1979, hay viết về cuộc chiến chống phản động Phun-rô ở Tây Nguyên, các trang viết của ông luôn toát lên tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc hết sức nhân văn.
Nhà báo Nguyễn Trung Đông sinh năm 1945, nguyên là Trưởng Ban Văn xã, Ủy viên Ban Biên tập của báo Nhân Dân. Ông từ trần hồi 20h39 phút ngày 5/7/2022, hưởng thọ 78 tuổi. Lễ viếng được tổ chức vào hồi 10h ngày 9/7/2022 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Ông từng là phóng viên chiến trường dũng cảm, xông xáo, có mặt ở tuyến lửa khu 4 những năm trước giải phóng; ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn trong những ngày chiến tranh biên giới ác liệt năm 1979.
Chia sẻ về người cha của mình, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nghẹn ngào: "Bố mình kể có lần đã suýt chết khi bám theo đoàn xe chở xăng vào chiến trường biên giới. Nhiều người bạn khoa Văn của bố đã hy sinh trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968.
Những năm chiến tranh khốc liệt 1970-1972, bố mình là phóng viên thường trú ở Nghệ An. Có lần ông đạp xe cả trăm cây số đến Đô Lương vì nghe tin ở đó bắn hạ được máy bay Mỹ và có tù binh phi công mà ông muốn phỏng vấn. Đoàn Hà Nội vào bổ sung lực lượng khi đó có nhà báo Phạm Thanh vẫn kể lại đã gặp nhà báo Trung Đông đạp xe về bê bết bùn khắp người và xe".
Tác giả những kịch bản sân khấu lãng mạn mà đầy hơi thở cuộc sống
Những năm tháng viết báo gắn bó với từng nhịp thở cuộc sống và chiến đấu của dân tộc với vốn sống thực tế phong phú, những trải nghiệm chiến tranh ác liệt, đối diện với nỗi đau mất mát và cái chết trong gang tấc… đã giúp nhà báo Trung Đông trở thành một cây viết xuất sắc những năm 1970- 1980. Tình cảm ấp ủ và mong muốn nung nấu sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu phác họa lại chân dung dân tộc trong những cuộc chiến mà ông từng lăn lộn ghi chép.
Các đời Tổng Biên tập báo Nhân Dân như nhà báo Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Thép Mới đều ủng hộ nhà báo Trung Đông khi ông vừa công tác báo chí vừa sáng tác "tay ngang" các kịch bản sân khấu. Và ông đã rất thành công trong lĩnh vực này.
"Tuổi thơ của 3 chị em mình gắn bó với những buổi tối đến nhà hát xem bố đạo diễn dựng vở. Đó là cả một thế giới lung linh đặc biệt với ánh đèn sân khấu, các khung cảnh trang trí thay đổi sau mỗi màn diễn, giọng các diễn viên hội thoại các câu văn do bố mình viết, cả các ca từ trong các làn điệu cải lương và chèo do ông sáng tác.
Khi đó mình còn bé, chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng chỉ biết rằng những làn điệu đó thật ngọt ngào, mượt mà và ấm áp. Hàng tràng vỗ tay vang lên không ngớt khi những ca từ và làn điệu hay ngân vang", họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nhớ lại.
Đáng chú ý, vở cải lương Dòng suối trắng kể về mối tình oan nghiệt của một đôi trai gái người Mông trong bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn, đoạt giải Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980. Vở diễn này gây tiếng vang trong làng sân khấu khi được nhiều đoàn cải lương trong nước dựng lại với hơn 1.000 đêm diễn, trong đó mỗi đêm tại rạp có từ 500 đến 600 khán giả, còn các đêm lưu diễn ngoài trời ở các sân bóng lên đến hàng nghìn người.
Vào thập niên 1980, hầu như năm nào nhà báo Trung Đông cũng viết kịch bản sân khấu mới. Ông viết hăng say và đam mê với cảm xúc sáng tạo tuôn trào. Năm 1985, ông viết kịch bản vở chèo Đồng tiền Vạn Lịch cho Đoàn chèo Hà Nội, do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu được chọn diễn tại Hội trường Ba Đình phục vụ kỳ họp Quốc hội khóa VII đã gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Vở chèo đã được trình diễn hàng trăm suất ở rạp Đại Nam, đoạt giải A Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.
Tiếp đó, một vở diễn nữa của tác giả Trung Đông cũng giành giải A của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đó là vở cải lương Hai phương trời thương nhớ do đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn. Tác giả Trung Đông đã đưa ra sáng kiến dựng sân khấu ước lệ hai tầng để thể hiện hai không gian đồng hiện ở Việt Nam và Campuchia trong câu chuyện về bộ đội tình nguyện Việt Nam ở chiến trường nước bạn. Nắm bắt được ý tưởng đó, họa sĩ sân khấu Doãn Châu đã thể hiện thành công sân khấu hai tầng lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt.
Trung Đông cũng là tác giả của các vở cải lương Miền đất nhớ, Hòn đá thề, Ly hôn, Mảnh đất anh nằm; vở chèo Lương tâm nổi giận; kịch nói Bóng râm trong ngày nắng (Đoàn Kịch Hà Nội, 2 diễn viên đảm nhận vai chính trong vở diễn sau này là NSND Hoàng Dũng và NSND Hoàng Cúc).
Ngoài gần 20 kịch bản sân khấu, hàng ngàn bài báo, nhà báo Trung Đông còn viết 20 cuốn sách, trong đó 10 cuốn xuất bản ở NXB Quân đội và 10 cuốn xuất bản ở NXB Phụ nữ. Có thể kể đến cuốn Tiếng hát cánh buồm viết về cuộc sống mới ở Hải Phòng, truyện ký Mùa xuân Tây Nguyên và tiểu thuyết Gió ấm viết về cuộc đấu tranh thu phục Phun-rô ở Tây Nguyên, Những đỉnh núi thép viết về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, Trở về làng và Nông trường đồng dao viết về công cuộc xây dựng đất nước sau giải phóng…
Những trang viết của ông đầy ắp hiện thực cuộc sống và chiến đấu, niềm vui và đau khổ, niềm đam mê văn hóa các vùng miền, cháy bỏng tình yêu cuộc sống và con người.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết, ở ngoài đời, bố của chị là một người hiền hậu, vui tính, luôn thương yêu vợ con và các cháu, được đông đảo bạn bè đồng nghiệp quý mến. "Chúng tôi luôn tự hào về bố và ông cũng tự hào về 3 người con của mình đã tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa say mê nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm có ích cho xã hội", tác giả công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn