Bạn tôi kể về dự định tuần này, sẽ lại thân gái một mình đi công tác trên những khoảng rừng vắng, đồi núi nhấp nhô. Tôi động viên bạn cố gắng, bạn cười bảo tôi: Ngày xưa có người gọi tớ là cây xà nu.
Ừ, giờ thì tôi nhớ câu chuyện về những cây xà nu, rừng, núi Ngọc Linh và ý chí kiên cường của bản làng Xô Man trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Ngày ấy, khi học đến tác phẩm này, nhiều người trong lớp Văn của chúng tôi thắt tim lại khi chỉ với sự miêu tả, trước mắt đã như hiện ra hình ảnh của Mai và đứa con bị chết, hình ảnh của mười ngón tay T’nú bị đốt trước mặt dân làng.
Nhựa xà nu cháy bùng, như có thể thiêu tất cả. Nhưng tôi vẫn tin rằng, có những sức sống bất diệt vẫn cứ đượm trong máu của những con người ấy. Họ như những cây xà nu.
Hồi đó, cô giáo tôi cũng không biết, xà nu chính là một loại cây thông, cũng giống như người xuôi mình gọi pơ-lang là hoa gạo và kơ-nia là một loại cây cậy. Và cũng sau này tôi mới biết, cụ Mết là một nhân vật có thật. Đến với Tây Nguyên, tôi chứng kiến những cánh rừng xà nu giờ chỉ đúng nghĩa là những cây thông nho nhỏ, đang vươn lên để cố tạo những cánh rừng lớn. Tôi lại chợt nghĩ, đừng có lại gần, hình ảnh đẹp đẽ trong quá khứ của mình về một rừng xà nu bất diệt đã… tàn mất.
Nhưng sau này nghĩ rằng, biết tất cả những điều đó cũng chẳng để làm gì, bởi vì sự đa cảm không mang lại sự thảnh thơi cho những tâm hồn như vậy.
Cho đến khi tôi gặp một cô bạn có sức sống mãnh liệt như cây xà nu trong văn của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc). Tôi thấy vui khi bạn có thể khóc òa ngay trước mặt những nhân vật của mình.
Sau này, tôi học được cách tiết chế cảm xúc với nhân vật của mình. Nhưng với những người thân yêu thì dường như tôi lại khiến họ bị tổn thương nhiều hơn.
Tôi nghĩ, xà nu chỉ mãnh liệt khi chung nhau đứng thành những cánh rừng, cứ vươn lên mãi. Tôi mong cho bạn sẽ lại đứng giữa một cánh rừng xà nu. Và tin rằng, ai cũng muốn tìm cho chính mình.