Mặn chát với nghề
Cả một dải dài mấy ki-lô-mét có hàng trăm chòi canh, nước rút để lộ những vệt loang lổ trên từng cọc chòi. Mỗi nhà chòi ấy để canh một vuông ngao. Chẳng kể nắng, mưa, nóng nực hay giá rét, hàng trăm người dân vùng biển xứ Thanh này vẫn ngày ngày mưu sinh theo con nước thủy triều, chạy theo những con sóng. Có những gương mặt để trần, đen sạm. Những vết chân của họ vừa kịp thành hình đã bị bùn chảy làm méo mó, rồi lấp đầy.
Tại vuông ngao nhà bà Nguyễn Thị Hưởng (57 tuổi, thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc) những người phụ nữ đang cần mẫn cào đất, nhặt nhạnh những con ngao to đem bán. Dụng cụ dùng để cào ngao là một cái cán tre dài khoảng 1,5m, một đầu được chẻ tách làm đôi thành hình tam giác rồi gắn một miếng sắt gọi là lưỡi nạo. Nghề cào ngào tuy vất vả nhưng không mất nhiều vốn để sắm đồ nghề. Giữa biển nước mặn, các bà, các mẹ chỉ mang trên mình chiếc áo khoác mỏng và manh áo mưa. Không ai bảo ai, họ cứ thế cần mẫn làm việc. "Ngao nhà tôi mới nuôi nên tôi chỉ khai thác những con ngao to. Những nhà bên cạnh, ngao đủ ngày, đủ tháng, to, đầy, họ tập trung nhân công "vét vuông" thu hàng chục tấn. Vì thế, công việc của người lao động sẽ vất vả hơn gấp bội", bà Hưởng cho biết.
Chị Đoàn Thị Hội (sinh năm 1973), người có 10 năm trong nghề, cho biết: "Cả ngày làm việc ngoài biển, nước vơi còn đỡ chứ nước đầy thì nguy hiểm lắm. Cào hay xúc đều mệt vì kéo theo nhiều bùn, cát và các loại rác thải nên rất nặng. Khổ nhất là mùa đông, vừa làm vừa run, hai hàm răng cứ va vào nhau cầm cập, môi ai cũng thâm tím vì lạnh".
Mỗi buổi cào ngao kéo dài khoảng 8-10 tiếng. Những nữ "phu ngao" phải gồng mình tận dụng thời gian khi con nước triều xuống làm thật nhanh cho "được công". Chính vì phụ thuộc vào con nước mà họ thường phải lấy đêm làm ngày, ngâm mình ướt đẫm trong sương đêm, trong muối biển đến lợt lạt chân tay, lưng mỏi nhừ, mắt ngầu đỏ.
Điều kiện lao động thiếu an toàn và những "bệnh khó nói"
Bà Phạm Thị Sáu (60 tuổi), người có 20 năm "ngụp lặn" cùng con nước, cho biết, hầu như ai làm cái nghề này cũng bị bệnh đau lưng, đau khớp, bệnh da liễu và chuyện đứt chân do giẫm phải mảnh chai, mảnh sành, diễn ra như cơm bữa. "Mới đây, một người mới vào nghề chưa nắm rõ quy luật thủy triều lên xuống, đang cào thì cát sụt đúng lúc thủy triều lên, bị nước cuốn chết đuối. Rút kinh nghiệm, chúng tôi phải đi theo nhóm hai hoặc ba người để có thể giúp đỡ nhau nhưng cũng không biết trước được", bà Sáu buồn bã nói.
Vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy nhưng những người như bà Sáu đều phải chấp nhận một thực tế là không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động, hay tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn lao động và trang bị bảo hộ lao động như: Quần áo, mũ, găng tay, giày, ủng...
Một cán bộ UBND xã Hải Lộc chia sẻ: "Nhờ con ngao mà mức thu nhập đối với nông dân khá hơn nhưng cũng cực lắm". Cái sự "cực lắm" mà người cán bộ này đánh giá tôi được nghe từ trước khi lội xuống đồng ngao. Và khi đã "mắt thấy, tai nghe", tôi càng thấu hiểu công việc của những phụ nữ làm nghề khai thác ngao. Nói về ảnh hưởng của môi trường làm việc đến sức khỏe của nữ "phu ngao", chị Nguyễn Thị Huyền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Lộc, cho biết: Chị em ăn, ngủ không điều độ lại làm việc trong môi trường ô nhiễm nên rất nhiều chị em mắc các bệnh như: Đau mắt, đau lưng, bệnh phụ khoa... Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nghỉ làm là không có thu nhập nên chị em ít khi đến cơ sở y tế để khám bệnh. Chỉ khi nào bệnh nặng mới tìm đến bác sĩ thì lúc đó đã muộn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn