Theo bạn Nguyễn Đan Phượng, Trưởng nhóm "Bảo vệ môi trường và Sự sống hành tinh", hiện sinh sống tại Tây Ban Nha, nhóm được thành lập vào năm 2017 bởi những du học sinh, người trẻ tuổi quan tâm đến môi trường sống. Các thành viên thường tham gia nhặt rác, trồng cây, các chiến dịch xanh tại nơi mình sinh sống. Đặc biệt, các bạn đều quan tâm vấn đề tái chế, phân lại rác, với mong muốn chia sẻ với giới trẻ Việt kinh nghiệm từ nước bạn.
Phượng đã cùng các thành viên thành lập fanpage "Bảo vệ môi trường và Sự sống hành tinh", kêu gọi và thúc đẩy nhận thức về việc bảo vệ môi trường từ những người trẻ, các bạn sinh viên tại Việt Nam. Nhóm tích cực truyền đi thông điệp về tác hại của túi nylon, kêu gọi cộng động "tái sử dụng túi nylon, mang theo túi của bạn khi mua sắm, tái chế các vỏ chai nhựa".
Các bài viết trên fanpage của nhóm chia sẻ về cách làm hay từ nước bạn được nhiều người đón nhận và hưởng ứng. Đó là thành quả gần 6 năm qua của các thành viên luôn cập nhật tin tức về việc tái chế, phân loại rác, yêu thiên nhiên, bảo vệ hành tinh tại các nước, để giới trẻ cùng nhau học hỏi và nâng cao ý thức. Đan Phượng cho biết: "Càng tìm hiểu về rác, chúng mình cảm thấy rác thực sự là tài nguyên nếu chúng ta biết phân loại và tái chế". Thủ lĩnh của nhóm cũng đưa ra các ví dụ ở nước bạn như tại siêu thị ở Đức có gắn máy đổi vỏ chai nước ra tiền. Số tiền từ việc đổi vỏ chai sẽ được in ra phiếu và khi mua hàng sẽ được khấu trừ vào tổng tiền mua hàng. Các chai nhựa được trả về cho nhà sản xuất để họ tái chế.
Tại Tây Ban Nha, có những thùng rác lớn, phân loại theo màu như xanh lá, xanh dương, vàng, nâu, xám. Thùng màu xanh dương đựng giấy. Thùng màu vàng đựng chai nhựa. Thùng màu xanh lá đựng thủy tinh. Thùng màu nâu đựng thực phẩm hư và thùng màu xám đựng những thứ còn lại. Sẽ có mỗi loại xe thu gom từng loại rác đưa về nhà máy phân loại, tái chế. Chai nhựa, thủy tinh có thể tái chế. Thực phẩm, rau củ hư có thể tái chế làm phân bón. Ngoài ra, có những thùng thu gom quần áo cũ, hoặc có thùng dành cho dầu ăn đã qua sử dụng.
Không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức về môi trường, các thành viên trong nhóm cũng thường xuyên trao đổi với nhau về kiến thức bảo vệ môi trường. Như việc sử dụng quá nhiều hoá chất tẩy rửa cũng gây hại đến nguồn nước, nên nhóm đã kêu gọi các thành viên sử dụng các sản phẩm tẩy rửa từ thiên nhiên như trái bồ hòn, một loại nguyên liệu bình dân, dễ kiếm của Việt Nam.
"Dù biết rằng việc thay đổi thói quen của giới trẻ hiện rất khó vì từ nhỏ chúng ta đã quen sử dụng xà phòng, để rác chung một chỗ, hay sử dụng túi nylon để mua sắm. Nhưng nếu cả xã hội cùng chung tay thì vấn đề phân loại và tái chế rác sẽ thành nếp sống văn minh. Việt Nam đã ban hành quy định về phân loại rác nhưng để trở thành nếp sống, thói quen thì chúng ta phải giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ và người lớn phải làm gương trước. Ví dụ, khi cả gia đình đi ăn sáng, mà người lớn hay cha mẹ đều vứt khăn giấy xuống đất thì trẻ em sẽ bắt chước, từ đó hình thành thói quen xấu là vứt rác bừa bãi và chúng xem đó là bình thường. Như ở châu Âu, cha mẹ sẽ chỉ dẫn trẻ em phân loại rác, học thuộc màu sắc, ý nghĩa của các thùng rác và tự bỏ rác vào đúng nơi", Đan Phượng cho biết.
Thời gian tới, nhóm ấp ủ dự án lắp đặt các thùng phân loại rác tại các trường học, các địa phương ở Việt Nam và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về tái chế và phân loại rác, tác hại của túi nylon, tầm quan trọng của việc trồng cây.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn