Dự án được thành lập bởi Đặng Quốc Huy, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Huy cho biết, dầu ăn thừa sau khi sử dụng được xả ra môi trường nước sẽ nổi trên bề mặt và gây nên hiện tượng nước bị nhiễm dầu.
Từ đó, chúng cản trở quá trình trao đổi khí và gây chết các sinh vật, động, thực vật sống trong và trên mặt nước, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày.
"Chúng tôi đã phối hợp với một số đơn vị để đặt các điểm thu gom dầu ăn đã qua sử dụng như ở Bình Thạnh và Quận 10, các điểm thu lưu động theo từng tháng ở các trường đại học cũng như tại các đơn vị phối hợp", Quốc Huy cho biết. Dầu ăn sau khi được thu gom sẽ được tái chế thành những bánh xà phòng thảo mộc.
Ban đầu, dự án có 10 thành viên tham gia, đến nay đã phát triển thành 35 thành viên, đều là sinh viên đến từ nhiều trường đại học. Thông qua dự án này, nhóm bạn trẻ mong muốn thúc đẩy thói quen mới cho người tiêu dùng, đó là tạo ra những cái mới từ cái cũ, góp sức mang đến một cuộc sống "xanh" hơn và bảo vệ môi trường.
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành 2 gian hàng "Sống xanh" tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, thu hút hơn 500 sinh viên tham gia và hưởng ứng. Sắp tới, nhóm dự kiến tổ chức tọa đàm về "Biến đổi khí hậu và dấu chân carbon" với sự tham gia của các bạn trẻ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực môi trường.
Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ kết hợp với một số đơn vị tiến hành thu gom dầu ăn đã qua sử dụng từ sinh viên, hộ gia đình và tặng bánh xà phòng thảo mộc được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng cho người tham gia.
Ngoài việc trực tiếp sản xuất xà phòng từ dầu ăn đã qua sử dụng, các thành viên của Dự án còn tổ chức các buổi workshop làm xà phòng từ dầu ăn thừa, hướng dẫn người tham gia cách làm xà phòng tại nhà, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với môi trường. Thông qua các buổi workshop, nhóm còn truyền thông về các vấn đề môi trường khác.
Đối với các thành viên của nhóm, khó khăn nhất khi thực hiện dự án đó là làm sao để lan tỏa các hoạt động đến các bạn sinh viên cũng như đối tượng khác. Để giải quyết khó khăn này, nhóm đã nhờ đến sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các câu lạc bộ, đội, nhóm từ các trường đại học và các tổ chức, dự án bảo vệ môi trường.
"Trong thời gian tới, nhóm sẽ tổ chức các chương trình cũng như hoạt động dựa trên các mục tiêu mà dự án đã đề ra. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi sẽ tổ chức ít nhất một hoạt động hoặc chương trình. Trong đó hoạt động thường niên sẽ là thu gom dầu ăn đã qua sử dụng và sản xuất xà phòng từ dầu ăn được thu gom đó", Đặng Quốc Huy chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn