Ngày 7/9, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) phối hợp cùng Google tổ chức sự kiện "Phát triển ứng dụng vì cộng đồng" nhằm truyền cảm hứng đam mê công nghệ đến các bạn sinh viên.
Tại sự kiện, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Võ Đăng Cao, Trương Hoàng Duy, Nguyễn Đăng Khương và Nguyễn Mạnh Hùng (cùng học tại Trường Đại học Hoa Sen) đã chia sẻ về dự án Gateway.
Vượt qua 835 dự án, trong đó Đông Nam Á có 74 dự án và Việt Nam có 16 dự án, dự án Gateway đã giành vị trí cao nhất, trở thành Top 3 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi Công nghệ Google Solution Challenge 2022 (không chia giải nhất, nhì, ba). Đây là thành tích cao nhất của các đội thi đến từ Việt Nam từ trước đến nay.
Gateway là một sản phẩm xây dựng các chốt kiểm tra 5K không cần sự hỗ trợ hoặc can thiệp của con người. Mục tiêu chính của dự án là giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế, cộng đồng, các doanh nghiệp trong công cuộc phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19. Với các điều kiện tiên quyết như giá thành thấp, học sinh, sinh viên có thể lắp đặt thông qua các thiết bị linh kiện điện tử, ứng dụng điện thoại để thiết lập Gateway tại nơi sinh sống và làm việc của họ. Đồng thời, Gateway hoàn toàn là ứng dụng open-source (mã nguồn mở), do đó mọi người đều có thể thể tham gia hỏi đáp hoặc cùng nhóm phát triển dự án.
Tại sự kiện, đại diện phía Google cũng đã trao chứng nhận vinh danh 4 bạn sinh viên đạt thành tích xuất sắc của HSU.
Sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi thực hiện dự án có rất nhiều khó khăn, nhóm đã thường xuyên thức đến 2-3 giờ sáng để nghiên cứu, tìm tòi, thực hiện. Tuy nhiên, vì có "ngọn lửa" đam mê nên các thành viên trong nhóm đã vượt qua tất cả mọi khó khăn để thực hiện dự án và đã thành công.
Tất cả các thành viên trong nhóm đều có chung khát khao được học hỏi, được chia sẻ kiến thức, được nghiên cứu, sáng tạo để tạo giá trị cho xã hội.
Khi được hỏi có bí quyết nào để các bạn sinh viên thành công khi tham dự cuộc thi, Trương Hoàng Duy chia sẻ: Cứ làm đi, đừng nói nhiều. Hãy bắt tay vào để thực hiện ý tưởng, kế hoạch của mình. Nếu cứ nói nhiều, suy nghĩ quá nhiều thì cơ hội sẽ qua đi.
Bà Janise Tan, Quản lý cộng đồng lập trình viên khu vực Đông Nam Á, Google Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong năm 2021, Việt Nam ghi nhận 5.600 công ty công nghệ mới, dẫn đến phát sinh nhu cầu cao về lao động kỹ thuật số trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Nhu cầu này sẽ luôn tăng cao và đây sẽ là xu hướng tuyển dụng lao động trong tương lai khi mọi ngành nghề và lĩnh vực đều được số hóa.
"Thông qua các sự kiện cộng đồng như sự kiện "Phát triển ứng dụng vì cộng đồng", chúng tôi hi vọng không chỉ tiếp tục truyền lửa cho nhiều thế hệ sinh viên tài năng tiếp theo của Việt Nam mà còn chia sẻ nhiều học bổng đào tạo, các chương trình hỗ trợ thiết thực giúp sinh viên có thể chủ động nâng cao kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cọ xát thực tế không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu. Với nguồn nhân tài tốt, chúng tôi tin Việt Nam sẽ có thêm nhiều ứng dụng công nghệ đột phá để phục vụ cộng đồng và phát triển nền kinh tế số một cách bền vững", bà Janise Tan nhấn mạnh.
Google Developer Student Clubs (GDSC) là sáng kiến của Google nhằm hỗ trợ các sinh viên yêu thích công nghệ thông tin có tiềm năng thành lập, tổ chức các hoạt động cho cộng đồng lập trình viên, sinh viên tại các trường đại học. Hiện nay mạng lưới đang có hơn 1500 chapters đến từ các trường đại học ở 113 đất nước.
Có 145 chapters tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, GDSC lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 2019, từ đó cho đến nay đã có 26 trường đại học trên toàn quốc tham gia ở các thành phố Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn