1. Cuối năm 1973, khi đó tôi là phóng viên Báo Phụ Nữ Việt Nam đi dự và đưa tin Đại hội phụ nữ huyện Xuân Thủy, Nam Định. Sau Đại hội, tôi theo chị Phạm Thị Nguyệt, vợ anh hùng liệt sĩ Đặng Ngọc Ngự, về nhà chị ở thôn Xuân Thi xã Xuân Thủy (nay thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Đinh) thăm các con chị.
Căn nhà cấp 4 nằm lọt trong khu vườn rộng có hai ao ở bìa làng, bên cạnh là hợp tác xã mua bán, không có bà con xóm giềng, trước mặt là một con đường liên xã chạy dọc theo con sông đào. Trời chạng vạng, bốn đứa trẻ (Dung, Dinh, Míc, Hà - lớn nhất mới 14, nhỏ nhất 5 tuổi) ùa ra đón mẹ.
Đại úy phi công Động Ngọc Ngự, chồng chị Nguyệt, hy sinh trong một trận đánh bảo vệ thủ đô ngày 8/7/1972. Biên đội anh Ngự chỉ có 2 máy bay MIG-21 chọi với 8 chiếc "con ma" F4 của Mỹ. Khi anh chỉ huy yểm hộ cho đồng đội số 2 bắn rơi một F4, máy bay anh trúng tên lửa địch và anh hy sinh trên vùng trời Hòa Bình. Sáu tháng sau, tháng 1/1973, anh được truy tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng là lúc kết thúc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Anh Ngự đi bộ đội năm 1959, được tuyển đào tạo phi công ở Liên Xô năm 1961, năm 1966 về nước, tham gia 14 trận không chiến, trực tiếp bắn rơi 7 chiếc. Anh còn chỉ huy và yểm trợ cho biên đội bắn rơi 8 chiếc máy bay địch, 7 lần anh được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Tôi rất tiếc là những mẩu chuyện kỷ niệm về anh ngày ấy bị ngắt quãng vì tiếng khóc của cháu Hà bữa đó hơi sốt…
2. Mãi 34 năm sau, vào mùa thu năm 2007, tôi rất vui vì lại có dịp được chị Nguyệt mời về thăm gia đình chị nhân có hội làng và được nghe tiếp câu chuyện tình yêu của anh chị mà sau thời gian mấy chục năm đằng đẵng vẫn hiển hiện rõ từng chi tiết trong tâm trí người vợ, người bạn đời thuỷ chung.
Bốn con chị Nguyệt giờ đã trưởng thành. Dung có nét mặt giống cha như đúc trong tấm ảnh anh Ngự chụp đội mũ phi công, nay là hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở xã nhà. Dinh - cậu con trai thứ hai - làm ở Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Nam Định. Mích, con gái thứ ba, nay cùng chồng làm kinh tế trang trại cà phê tận Đắc Lắc nhưng hai con vẫn học phổ thông tại quê nhà. Hà là phó hiệu trưởng của một trường học gần nhà. Còn chị Nguyệt sau khi nghỉ công tác ở ban chấp hành Hội LHPN xã, chị chuyển sang công tác mặt trận.
Mỗi đứa con đều là kỷ niệm tình yêu sâu đậm của anh chị. Nhắc đến Hà, chị Nguyệt tâm sự: "Cháu Hà có những nét tươi tắn nhất trong các con, phải chăng lúc thụ thai cháu, em vui mừng vì không hẹn mà anh đột ngột về thăm nhà đúng chiều mồng một Tết năm Mậu Thân 1968. Thật ra anh Ngự về nước từ năm 1966 nhưng lúc này địch leo thang chiến tranh đánh vào Hà Nội, không quân luôn luôn phải chiền đấu cho nên anh không có dịp về thăm nhà, chỉ biên thư động viên em. Nay anh về chưa hết cái mừng lại đến cái lo Tết nhất mà không có gì đãi chồng. Tiếng là Tết song có bao giờ em dám đi chợ Tết đâu. Những tiêu chuẩn Tết đã kết thúc ngay bữa trưa rồi. Em phải chạy về bên mẹ đẻ cầu cứu. Mọi lần anh về phép còn được vài ngày nhưng lần này chỉ có một đêm mồng 1 Tết, rồi chiều mồng 2 anh lại ra đi. Anh không dám nói trước là chỉ về đột xuất đúng một ngày, chỉ lúc sắp đi mới bảo em: "Anh về cũng muốn ở nhà với vợ con vài ngày nhưng anh lại phải trở về trực. Đất nước đang cần thì em hãy thông cảm. Chúng mình chịu khó hy sinh tình cảm riêng để gìn giữ hạnh phúc chung. Đến ngày hết giặc anh sẽ đưa em và các con đi chơi Tết, lên đơn vị anh trên Vĩnh Phú cho các con xem tận nơi những cánh én bạc". Cháu Hà là quà kỷ niệm cuối cùng anh tặng cho em cái đêm mồng một Tết năm ấy".
Sau khi anh Ngự hy sinh được 3 tháng, chị Nguyệt mới nhận được giấy báo tử và lên Nam Định lĩnh các di vật của anh. "Nhìn các kỷ vật của anh mà em héo gan, thắt ruột. Cuốn sổ tiết kiệm của anh dành dụm chưa đủ để sau đó mua đám đất em đang ở. Em còn phải làm cật lực để bù cho đủ. Ngày ấy em còn khỏe", chị Nguyệt kể. Thế rồi, khi địa phương mở rộng con sông đào trước mặt, nhà chị Nguyệt xin đất đó làm gạch. Hè đến, với sự giúp đỡ của bố chị, mấy mẹ con chị hì hục đóng gạch, đốt lò. Nhờ vậy mà đủ gạch xây nhà, rồi mở quán nước có thêm đồng ra đồng vào nuôi bốn cháu ăn học. Các cháu đang sức ăn sức lớn, tiền tuất đâu có đủ. Tối đến mỏi mệt muốn ngả lưng nhưng lại phải cố ngồi canh cho các cháu học bài, làm bài xong em mới dám đi ngủ. Xung quanh thì toàn là ổ rơm chứ đâu có chăn ấm. Lỡ chúng nó ngủ gật vô ý đổ đèn cháy bén vào rơm thì nguy cả nhà...
3. Em không ngờ chồng em lại nâng niu gìn giữ các kỉ niệm gia đình chu đáo đến thế. Em nhớ mấy ngày anh nghỉ phép trước khi đi Liên Xô năm 1961 học phi công, anh cứ hay ngắm mớ tóc dài của em mà trước đây mẹ không cho cắt bớt. Ngày cuối cùng anh bảo: "Em gội đầu bồ kết với các lá thơm ấy". Tối hôm ấy, anh cắt một mảng tóc dài của em bên tay phải. Lúc đó cũng không có chỉ màu mà buộc tóc cho đẹp nữa. Anh nói rằng lúc nào nhớ em sẽ giở cái khăn gói mớ tóc này. Khi nhận lại di vật, em sững sờ thấy tóc được buộc bằng chỉ hồng đẹp lắm. Còn bao nhiêu thư từ em viết cho anh ấy đã được anh ấy cất giữ cẩn thận nguyên vẹn trong một cái túi rất đẹp. Sao hồi ấy em dại thế không biết. Em không biết cất giữ lại. Đến khi anh ấy mất 100 ngày em đã đốt hết những bức thư ấy cùng 78 lá thư của anh ấy gửi cho em trong những năm xa cách thương nhớ đầy vơi. Em nghĩ, anh ấy có một mình còn mình dù sao có mấy mặt con ở bên...
Anh mất đi, em đau đớn mất đi chỗ dựa tinh thần bấy nay nhưng em lại nghĩ đến binh chủng không quân của anh cũng xót xa thương tiếc anh như các đồng đội anh vẫn nhắc anh Ngự là người chi huy mưu trí dũng cảm luôn giành thế tấn công kẻ địch dù chúng sừng sỏ và đông gấp mấy lần. Các anh hùng Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị cũng đã sớm về đây thăm, động viên em và các cháu. Những ngày lễ kỉ niệm lớn của binh chủng các anh ấy cũng thường đưa xe về đón em lên đơn vị dự. Em cảm thấy nhà em vẫn như còn đó, chỉ đi xa mà thôi…
Lần trước, tôi băn khoăn cho gánh nặng gia đình trên đôi vai gầy của chị Nguyệt bao nhiêu thì lần này tôi lại thanh thản bấy nhiêu khi ra về. Nhất là cháu Dinh đã tâm sự với tôi: "Con nghĩ là thời gian bố mẹ con chung sống thật ngắn ngủi nhưng rất hạnh phúc. Có như thế những tình cảm tốt đẹp mới được truyền đến các con như nhựa sống nuôi dưỡng cho cây đời của chúng con tốt tươi. Môi trường gia đình có nền tảng vững chắc để con cháu vươn lên...".
Trên đường về tôi thấy có những cánh diều bay bổng của đám trẻ, tôi chợt nhớ tới câu chuyện chị Nguyệt kể là lúc cưới cả hai vợ chồng đều nghèo, chỉ có chiếc chõng tre. Hai anh chị thân nhau, cùng đi học bổ túc văn hóa đến lớp 7. Đêm đêm vợ chồng cùng nhau đi bắt cá để có tiền đong gạo. Ít lâu sau cha mẹ cho hai thùng thóc để vợ chồng ra ở riêng tự lập nuôi thân. Ấy thế mà anh ấy say mê diều sáo đến nỗi anh dám bán một thùng thóc để mua chiếc diều có dàn sáo thật hay về học làm. Tôi nghĩ ước mơ của anh Ngự được bay bổng như chiếc diều no gió lúc thiếu niên sau này đã trở thành hiện thực khi anh được lao vút lên trời xanh chiếm lĩnh không gian bao la và lập nên những chiến công xuất sắc, bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn