Nhức nhối nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria

11:50 | 15/04/2023;
Trẻ em ở khu định cư Adagom dành cho người tị nạn tại Ogoja (bang Cross River, phía Đông Nam Nigeria) là một trong những mục tiêu mà bọn buôn người nhắm đến.
Chiêu lừa "tìm kiếm diễn viên nhí"

Một ngày hè năm 2019 tại khu định cư Adagom, một người đàn ông có nước da sáng, vạm vỡ xuất hiện. Người này tự xưng là diễn viên đến tìm kiếm những đứa trẻ tham gia một bộ phim. Anh ta giới thiệu mình đến từ thành phố Calabar và người đi cùng là cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ anh ta. Nhưng không ai ngờ, đó là thành viên của một băng nhóm buôn người.

Anh ta tới nhà của Claudia Amikwa (20 tuổi), đề nghị cô cho xem cậu con trai 10 tháng tuổi để chuẩn bị cho một bộ phim sắp tới. Amikwa rất vui khi nghĩ đến việc có thể kiếm được tiền trong lúc khó khăn này. Amikwa đến khu định cư Adagom từ tháng 10/2018 sau khi trốn chạy khỏi cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ Cameroon và phe ly khai ở thị trấn Akwaya. 

Khi đó, cô đang mang thai tháng cuối. Bỏ lại gia đình, cô một mình sinh con chỉ vài tuần sau khi đến khu tị nạn. "Người ấy đã chụp ảnh con trai tôi và tặng cho tôi 1.000 naira (tương đương 2 USD). Sau đó, anh ta lấy số điện thoại của tôi và hứa sẽ gọi khi cần", Amikwa nói.

Nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria - Ảnh 1.

Trẻ em ở khu tị nạn Adagom là “đích ngắm” của những kẻ buôn người

Khoảng 1 tuần sau, ngày 12/8/2019, anh ta trở lại Ogoja và trú tại khách sạn Origin, nơi cách khu định cư không xa. Anh ta gọi điện thoại và mời Amikwa đến gặp mặt, đề nghị cô mang con trai đến để có thể đánh giá chính xác việc đứa bé có thể đóng phim hay không. 

Khi đến khách sạn lúc 19h ngày 13/8/2019, Amikwa đã bị đánh thuốc mê rồi người đàn ông mang con cô đi, để lại 70.000 naira (tương đương 169 USD). Tỉnh dậy, Amikwa đã đến trình báo cảnh sát nhưng họ lại buộc tội cô đã bán con. Cô bị giam giữ 8 tháng trước khi được trả tự do, còn cảnh sát thì không tìm được manh mối nào về đứa trẻ bị bắt cóc.

Theo điều tra của báo The Daily Beast của Mỹ, kẻ tự xưng là diễn viên có thể có quan hệ với Stan Wantama, một kẻ hay có mặt ở khu tị nạn Adagom để tuyển phụ nữ tị nạn làm người giúp việc. Một số người đã nhìn thấy "gã diễn viên" gặp Wantama vài tháng trước khi hắn gặp Amikwa. 

Đầu tháng 6/2019, cả 2 người đàn ông này đã thầm thì to nhỏ ở gốc cây cách sân bóng của khu định cư vài mét. Họ im lặng khi có người tới gần. "Rõ ràng là họ đã biết nhau trước đó. Chắc chắn họ có âm mưu gì đó vì họ không để bất cứ ai nghe thấy cuộc trò chuyện", một xe ôm tên là Stephen Agi kể.

Nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria - Ảnh 2.

Claudia Amikwa cùng mảnh giấy ghi thông tin về đứa con bị bắt cóc của cô

Vài giờ sau khi người ta nhìn thấy 2 người trò chuyện, "gã diễn viên" đã đến thăm nhà của Shepheline Achuo (19 tuổi), một người tị nạn khác đã sinh con gái ngày 6/6/2019, để đề nghị đưa bé gái vào bộ phim sắp tới của anh ta. Achuo mời anh ta ra khỏi nhà. "Anh ta đã thuyết phục, đề nghị trả rất nhiều tiền nhưng tôi từ chối. Tôi không bao giờ giao con mình cho bất kỳ người lạ nào", Achuo chia sẻ.

"Gã diễn viên" và Wantama có thể cùng một đường dây buôn người và được giao nhiệm vụ riêng biệt ở khu định cư Adagom. Joseph Dominic, một kế toán viên ở Calabar, cho biết đã thấy bài đăng của Wantama trên Facebook hôm 30/12/2019 và ngay lập tức liên hệ với người này để nhờ tìm người giúp việc. 

Sau đó, Wantama đã gửi 2 bức ảnh, 1 là ảnh của Amikwa và ảnh kia là của Achuo. Cả 2 đều không nhìn vào máy ảnh, dường như họ không biết có người đã chụp ảnh mình. Khi Wantama thông báo với Dominic rằng, những cô gái trong ảnh là người nước ngoài đang tị nạn ở Nigeria thì Dominic từ chối. 

Khi phóng viên The Daily Beast cho Amikwa và Achuo xem những bức ảnh mà Wantama đã gửi cho Dominic, cả 2 đều xác nhận rằng họ không đồng ý cho chụp ảnh và chưa bao giờ gặp Wantama cũng như chưa từng có ai hỏi họ về nhu cầu đi giúp việc.

Những người tị nạn dễ tổn thương

Theo một nghiên cứu của Pathfinders Justice Initiative, một tổ chức làm việc với những nạn nhân bị buôn người có trụ sở tại Nigeria, những kẻ buôn người thường tiếp cận những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất hay những người mù chữ. Việc buôn bán trẻ em lan rộng khắp miền Đông Nam Nigeria. 

Nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria - Ảnh 3.

Shepheline Achuo

Trong thập kỷ qua, chính quyền Nigeria đã giải cứu hàng trăm trẻ sơ sinh bị giữ trong các "nhà máy sản xuất trẻ em". Ở Calabar, 24 phụ nữ mang thai và 11 trẻ từng được giải cứu khỏi một "nhà máy sản xuất trẻ em" hồi tháng 2/2022. Lực lượng an ninh Nigeria cũng đã bắt giữ 2 phụ nữ đang cố đưa một bé gái 7 ngày tuổi từ thành phố ven biển này tới Cameroon năm 2014.

 Theo ông Comfort Agboko, một quan chức cấp cao của Cơ quan quốc gia về chống buôn bán người (NAPTIP), các bé trai có thể được bán với giá 1 triệu naira (khoảng 2.500 USD), trong khi giá của các bé gái là 700.000 naira (khoảng 1.700 USD).

Dự án "Đánh giá rủi ro buôn người trong các trại dành cho người di cư nội địa (IDP) ở Đông Bắc Nigeria" cũng cho thấy, hiện tượng bóc lột lao động và xâm hại tình dục xảy ra ở tất cả 14 trại IDP thuộc Maiduguri, thành phố chính trong khu vực. 

Gần 3 triệu người Nigeria đã phải di tản sau nhiều năm nổi dậy của phiến quân Boko Haram. Những kẻ buôn người thường tiếp cận người di cư, hứa hẹn tìm cho họ những công việc tử tế nhưng thực tế là giam giữ họ để bóc lột sức lao động hoặc bán họ cho người khác. 

Còn ở Adagom, trẻ em mất tích và trẻ em gái bị buôn bán xảy ra khá thường xuyên kể từ năm 2019 khi "gã diễn viên" lừa đảo và Wantama xuất hiện.

Việc bắt giữ bọn buôn người là rất khó thực hiện vì cơ quan chống buôn người ở bang Cross River thiếu nguồn lực để ngăn chặn tình trạng này. Godwin Eyake, người đứng đầu NAPTIP tại bang Cross River, cho biết: "Hy vọng nguồn tài trợ cho tổ chức sẽ được cải thiện trong tương lai để chúng tôi có thể giải quyết nạn buôn người một cách hiệu quả".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn