Cảm xúc thấp thỏm, buồn bã, lo lắng, tức giận và cáu kỉnh, cảm giác đau khổ tột độ và có thể có ý nghĩ tự tử là điều hành hạ đứa trẻ. Chúng cảm thấy đơn độc và khó có những mối quan hệ lành mạnh. Trẻ em từng bị xâm hại tình dục thường cảm thấy thất vọng khi bị "phản bội" bởi những người mà chúng tin tưởng nên khi trưởng thành, chúng thường cảm thấy rất khó tin tưởng người khác. Chúng sợ bị tổn thương hoặc bị từ chối nên dễ cô lập bản thân với người khác, hoặc trở nên quá đeo bám hoặc quá phụ thuộc, có nghĩa là họ có nhiều khả năng bị kéo vào các mối quan hệ khó khăn hoặc lạm dụng.
Cảm giác xấu hổ và tội lỗi là cảm xúc chung của những đứa trẻ bị xâm hại. Đứa trẻ ấy có thể đã bị thao túng và buộc phải giữ bí mật về việc xâm hại, thậm chí kẻ bạo hành còn đổ lỗi cho chúng về việc xâm hại. Điều này đặc biệt có thể xảy ra nếu những người khác, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình, không bảo vệ đứa trẻ hoặc phản ứng với cú sốc hoặc kinh hoàng khi được kể về những gì đã xảy ra. Những cảm giác xấu hổ như vậy có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng, đứa trẻ lớn lên có thể cảm thấy vô dụng, khác người, xấu xa, bẩn thỉu, không đủ tốt hoặc vô giá trị.
Chúng cũng cảm thấy bất lực. Một số đứa trẻ sau sự cố kinh khủng đó cư xử hung hăng, cố gắng kiểm soát người khác hoặc phát triển chứng rối loạn ăn uống. Chúng cũng gặp khó khăn về tình dục bao gồm các vấn đề về tiếp xúc cơ thể và sự thân mật với cảm giác sợ hãi, xấu hổ và bất lực. Nạn nhân nam bị xâm hại tình dục thời thơ ấu có nhiều khả năng bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và ham muốn tình dục thấp, còn phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn hưng phấn hơn
Một số trẻ lớn lên có thể gặp phải tình trạng cảnh giác cao độ, luôn cảm thấy đề phòng và tìm kiếm các mối đe dọa tiềm ẩn, nỗi ám ảnh và cơn hoảng loạn. Những cơn ác mộng và hồi tưởng là những ký ức mạnh mẽ về những gì đã xảy ra. Chúng có thể cảm thấy như sự kiện đau buồn đang diễn ra một lần nữa, thậm chí có thể ngửi thấy mùi hương, nghe thấy âm thanh hoặc cảm thấy nỗi đau mà họ đã trải qua vào thời điểm đó. Khi ai đó trải qua một trải nghiệm đau khổ và đau thương, cơ chế sắp xếp và lưu trữ ký ức có thể trở nên quá tải và tâm trí không thể xử lý trải nghiệm theo cách thông thường. Điều này có nghĩa là ký ức vẫn còn hoạt động và có thể rất dễ bị kích hoạt bởi bất kỳ thứ gì nhắc nhở về những gì đã xảy ra.
Những đứa trẻ bị xâm hại tình dục lớn lên thường co cụm, không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Chúng có thể tìm đến những cách tự đối phó bao gồm uống rượu quá nhiều, dùng ma túy, cờ bạc, tiêu quá nhiều tiền, rối loạn ăn uống, tự làm hại bản thân, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc hành vi khác có thể nguy hiểm, rủi ro cho bản thân chúng cũng như những người bên cạnh. Rất nhiều đứa trẻ trong số đó không có niềm tin vào sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, chúng không muốn hợp tác để chữa trị. Cho nên, rất nhiều ca trẻ bị xâm hại, tương lai của chúng bị đe dọa nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đây cũng sẽ là một hành trình khó khăn với gia đình các trẻ bị xâm hại cần nỗ lực tìm mọi cách vượt qua để kéo con em mình ra khỏi hố sâu tuyệt vọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn