Những ảnh hưởng lớn khi Anh và EU bắt đầu tiến trình Brexit

16:08 | 30/03/2017;
Nước Anh sẽ có 2 năm để đàm phán với hơn 12.000 điều khoản trước khi việc Anh ra khỏi EU chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 3/2019. Sự ra đi gây nhiều tổn thất cho cả hai bên, tuy nhiên ngành du lịch đang hưởng lợi từ sự mất giá của đồng bảng Anh.
"Con thuyền Brexit" của Thủ tướng Theresa May vừa dong buồm ra khơi ngày 29/3 đã gặp phải “sóng lớn” khi những mong muốn quan trọng nhất của bà đã bị các chính trị gia hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) từ chối thẳng thừng.

Đặc biệt, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bác bỏ kế hoạch của bà May về việc triển khai những cuộc đàm phán thương mại. Bà Merkel cho biết rằng mọi cuộc đàm phán như vậy đều phải diễn ra sau khi đàm phán về các điều khoản "chia tay" của Anh và EU, trong đó có cả vấn đề liên quan tới khoản tiền mà Anh phải trả cho EU khi rời khối có thể lên tới 60 tỉ euro. Với quan điểm dứt khoát của EU, mà cụ thể của thủ tướng Đức, nước Anh có thể bị đẩy vào tình huống phải chấp nhận bước vào đàm phán và có những thỏa thuận cụ thể của họ về các điều khoản "chia tay" trước. Sau đó, hai bên mới có thể bàn tiếp về nền kinh tế tương lai 2,6 nghìn tỷ USD của Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
tien-trinh-brexit-cua-anh-1.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May ký lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng EC Donald Tusk để kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, nhằm khởi động tiến trình Brexit tại Văn phòng Nội các Anh ở London
Đối với EU, khối này đang chật vật xoay sở với những cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau về nợ công và người tị nạn, sự ra đi của nước Anh chính là cú sốc lớn nhất sau 60 năm nỗ lực tạo dựng sự đoàn kết của châu Âu sau 2 cuộc chiến tranh thế giới. Brexit có thể là đòn giáng mạnh vào EU nếu kéo theo quyết định ra đi của các nước như Hà Lan (Nexit), Áo (Oexit), Đan Mạch (Dexit), Pháp (Frexit)… Nếu 3, 4 hay 5 nước thành viên nữa ra đi thì EU sẽ sụp đổ.
tien-trinh-brexit-cua-anh-2.jpg
Đại sứ Anh tại Brussels Tim Barrow (trái) trao bức thư có chữ ký của thủ tướng Anh cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk
Về phía Anh, tự tách mình khỏi EU, nước này đang tạo những vết rạn ngay trong chính “ngôi nhà” của mình. Bà May đối mặt với một trong những công việc khó khăn nhất: Giữ nước Anh thống nhất trong bối cảnh Scotland đòi tách riêng. Ngoài ra, nước Anh có thể phải trả cho EU 55 - 60 tỷ euro, đây được cho là những khoản nghĩa vụ ngân sách chung mà Anh phải hoàn thành trước khi rời đi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Anh sẽ phải đối mặt thực tế tăng giá các sản phẩm mà nước này phụ thuộc vào EU, chẳng hạn trái cây, rau, hoa, dầu ô liu. Một hậu quả khó đỡ khác là tình trạng thiếu hụt lao động trên cả nước Anh từ xây dựng, nông trại, sản xuất đến chăm sóc nhà cửa, phục vụ khách sạn và nhà hàng…

Còn EEF (Hiệp hội giới chủ trong ngành chế tạo Anh) cho biết, hàng chế tạo như ô tô, hóa chất và máy móc của Anh khi xuất sang EU có thể phải chịu mức thuế trung bình 5,3%. Các mặt hàng trên cũng có nguy cơ đối mặt với các rào cản khác như thủ tục hải quan và chi phí gia tăng.
tien-trinh-brexit-cua-anh-4.jpg
Nước Anh phải trả cho EU 55 - 60 tỷ euro, khoản nghĩa vụ ngân sách chung
Một báo cáo về tài sản toàn cầu của Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse cho biết, tổng giá trị tài sản của các hộ gia đình Anh đã giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD do tác động trực tiếp từ việc nước này quyết chọn Brexit. Cú sụt giảm tài sản “kinh hoàng” này chủ yếu nằm ở sự mất giá của đồng bảng Anh. Còn theo báo cáo điều tra từ trang mạng Comparethemarket.com và công ty nghiên cứu quốc tế YouGov cho thấy, nhiều bậc phụ huynh ở Anh cảm thấy bất an cho “những đứa trẻ của Brexit”. Cụ thể, có 47% phụ huynh Anh tin rằng con cái của họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì Brexit. 27% cảm thấy “không tin tưởng” về tương lai của nền kinh tế Anh so với 24% nói rằng họ “khá tự tin” và chỉ 7% “rất tự tin”. Theo Giám đốc Comparethemarket.com Simon McCulloch, sự mơ hồ về tác động của Brexit vẫn đang tồn tại và tạo ra cảm giác lo lắng cho các bậc cha mẹ trên khắp nước Anh.
tien-trinh-brexit-cua-anh-5.jpg
Nhiều bậc phụ huynh ở Anh cảm thấy bất an cho “những đứa trẻ của Brexit”
Tuy nhiên, theo văn phòng thống kê quốc gia Anh, lượng khách du lịch quốc tế đổ về Anh ngày càng đông hơn. Tỷ giá đồng bảng Anh giảm được xem là lý do quan trọng cho quyết định đi du lịch Anh của nhiều du khách nước ngoài. Thống kê cho thấy du khách từ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc tăng mạnh. Đây đều là những khu vực hưởng lợi nhiều nhất về tỷ giá đồng tiền của nước họ so với đồng bảng Anh. Theo Cơ quan du lịch Quốc gia Anh VisitBritain, năm 2017 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ với ngành du lịch nước này. Từ tháng 2 đến tháng 4/2017, lượng đặt vé máy bay tới Anh đã tăng 16% so với cùng kỳ 2016.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn