Những bài tập tiếng Việt lớp 1 người lớn cũng bó tay

07:15 | 19/06/2017;
Trẻ mới vào tiểu học bắt đầu làm quen chữ cái và học những từ đơn giản thông dụng trong cuộc sống nhưng sách bài tập tiếng Việt lại đưa vào những từ khó hiểu, thậm chí những từ mà có nhiều người lớn còn... bó tay.
 

Đọc bài tập 1: Tìm tiếng ngoài bài có vần oen (vở bài tập tiếng Việt 1, tập 2, trang 40, NXB Giáo dục Việt Nam).

Khi lấy sách Tiếng Việt 1 (tập 2, trang 92, NXB Giáo dục Việt Nam) xem từ trong bài là từ gì để giải đáp tránh sự trùng lặp, từ trong bài “Lan nhoẻn miệng cười” và “cưa xoèn xoẹt” (phần điền vần trang 93).

Đến bài tập phần chính tả (bài 2 cùng trang), điền en hay oen vào từ nông ch…. Nhìn hình ảnh, tôi nghĩ là từ nông choèn nhưng không hiểu nghĩa nên phải xem từ điển.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng 2004) giải thích: "Nông đến mức coi như không đáng kể".

Cả hai bài tập này học sinh lớp 1 không thể làm được. Tôi hỏi một số cử nhân, họ cũng cho rằng bài tập này không đơn giản chút nào.

Còn từ nông choèn, tôi hỏi khá nhiều người có hiểu nghĩa không thì tất cả những người ấy đều không hiểu nghĩa và cho rằng: “Lần đầu tiên nghe từ này”.

Tôi đem bài tập này cho học sinh THPT làm. Khoảng hơn 10 phút, trong số 41 học sinh có 26 em không tìm được từ nào, 10 em viết đúng từ có vần oen nhưng không có nghĩa, 5 em viết đúng; trong đó có 2 em sử dụng kim từ điển và 1 em dùng từ điển tiếng Việt. Như vậy, chỉ có 2 em làm đúng mà không cần sử dụng từ điển.

Cũng trong sách bài tập này, ở bài tập 1 (trang 36, phần tập đọc bài Ngôi nhà) hỏi: Viết tiếng có vần iêu, nhưng trong bài thơ này không có từ nào có vần iêu mà chỉ có bốn vần yêu (Em yêu nhà em; em yêu tiếng chim; em yêu ngôi nhà; như yêu đất nước).

Những bài tập ở các bài học trước và sau bài này đều đặt câu hỏi nhưng không rõ yêu cầu tìm tiếng có trong hay ngoài bài. Người lớn không hiểu câu hỏi thì làm sao một đứa trẻ hiểu được.

Không những thế, cách đặt câu 2 trong rất nhiều bài hoàn toàn sai, câu hỏi 1 thì đúng. Chẳng hạn, từ nội dung bài Cái nhãn vở, câu hỏi như sau: 1. Tìm tiếng trong bài có vần ang. Học sinh sẽ tìm được từ Giang (tên riêng), Trang (trang bìa, trang trí). 2. Tìm tiếng ngoài bài: Có vần ang và có vần ac.

Nếu đặt câu hỏi như vậy thì trong bài phải có vần ac, nhưng trong bài không có vần ac mà lại hỏi “tìm tiếng ngoài bài có vần ac”. Cho nên ở đây cần tách câu 2 thành hai câu khác.

 

Bên cạnh đó, sách còn dùng một số từ không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1. Thậm chí người lớn cũng không hiểu từ đó nếu không có hình ảnh kèm theo, như từ chõ xôi (Tiếng Việt 1, tập 2, trang 51, NXB Giáo dục Việt Nam). Khi được hỏi từ này, nhiều người, nhất là khu vực phía Nam không biết.

Những đứa trẻ (6-7 tuổi) bắt đầu làm quen chữ cái và học những từ đơn giản thông dụng trong cuộc sống, sao lại đưa vào chương trình những từ khó hiểu, thậm chí những từ mà có nhiều người lớn còn không hiểu và không vận dụng trong cuộc sống?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn