Tại Hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cho rằng, hiện nay, các quy định xử lý nồng độ cồn đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ.
Tuy nhiên, qua phân tích các quy định hiện nay, Ủy ban ATGT Quốc gia thấy rằng, vẫn có thể sửa đổi, bổ sung các quy định này để làm tốt hơn. Theo Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt.
Nhưng thực tế, người uống 5 cốc hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính như nhau, ở mức 3 (cao nhất trên 80mg/100 ml máu; phạt 30 - 40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với ô tô).
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
"Điều này, chưa phù hợp với quy định xử phạt hành chính, tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi, nếu vượt qua mức 3, hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả", ông Minh nhấn mạnh.
Để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, ông Minh cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định của pháp luật. Việc này, cơ quan chuyên môn ngành Y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng và người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn.
Cũng tại Hội thảo này, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, cho biết, theo thống kê, điều tra xã hội học với hơn 45.600 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, có hơn 23.400 phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia.
Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 770.000 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trung bình mỗi ngày xử lý 2.100 trường hợp.
Liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với PV Báo PNVN, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm) nhấn mạnh cần sửa luật để có thể xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn.
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng dẫn giải, theo quy định tại Khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cấu thành cơ bản thì người sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khi tham gia giao thông chỉ bị xử lý hình sự khi có hậu quả xảy ra như làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tích cơ thể 61% trở lên, gây thiệt hại cho tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Đối với cấu thành định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người tham gia giao thông đường bộ có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b, c của Khoản 3, Điều 260 Bộ luật này (có mức hình phạt tù từ 7 đến 15 năm tù trong trường hợp làm chết 3 người;
Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, vướng mắc hiện nay của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải chứng minh được người đó "có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả…". Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, mỗi vụ tai nạn gây hậu quả khác nhau.
Mặc dù người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có thể có nồng độ cồn, chất ma tuý hoặc chất kích thích mạnh giống nhau, đều ở mức cao nhất, kịch khung nên không thể lấy hậu quả của bất kỳ một vụ tai nạn nào liên quan đến sử dụng rượu, bia, ma tuý, chất kích thích mạnh khác để "áp" vào một tình huống dự kiến trong tương lai.
"Nếu như vậy, vô hình trung sẽ vi phạm nguyên tắc, cơ sở của trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 1, Điều 2, Bộ luật Hình sự 2015: "Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Hoàng nêu quan điểm.
Từ những lý lẽ trên, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, cần phải tách khoản 4, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thành một điều luật độc lập, trong đó có các khung, khoản cụ thể, quy định rõ tỷ lệ nồng độ cồn trong hơi thở vượt mức quy định (định lượng) như thế nào thì bị chịu trách nhiệm hình sự.
Cùng với đó là chế tài xử lý đủ nghiêm để răn đe và phòng ngừa người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sử dụng rượu, bia, ma tuý, các chất kích thích mạnh khác.
Theo Tiến sĩ Luật học Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), do chưa có văn bản hướng dẫn nên dù đã có quy định về người tham gia giao thông đường bộ mà có khả năng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, dù chưa có hậu quả tai nạn giao thông xảy ra, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự nhưng cơ quan chức năng rất khó thực hiện.
Minh chứng là từ khi Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, gần như chưa có trường hợp nào người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông bị xử lý hình sự khi chưa gây tai nạn. Vì vậy, ông Cường cho rằng, cần có hướng dẫn hoặc án lệ về khoản 4, Điều 260 để áp dụng nhằm răn đe đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao.
Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ủng hộ đề xuất xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây tai nạn. Tuy nhiên, ông Liên băn khoăn về thời điểm áp dụng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này cần được tăng cường.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2), lực lượng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương đã phát hiện và xử lý 71.409 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý (tăng 21.373 trường hợp so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023).
Về tình hình tai nạn giao thông, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023). Trong đó, đường bộ xảy ra 538 vụ tai nạn giao thông, làm 212 người chết, 502 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết và tăng 176 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn